Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và giá trị đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay

13/10/2018 - 08:59

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị, soi đường cho đổi mới về nhận thức, về công tác lãnh đạo, tổ chức, vận động phong trào thi đua yêu nước. Bài viết trình bày những nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, đồng thời, đặt ra yêu cầu tiếp tục kế thừa, phát huy tư tưởng của Người về thi đua ái quốc để từ đó vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua lần thứ IV) tháng 12-1966 - Nguồn: mcve.org.vn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc chúng ta thấy có những nội dung cơ bản sau:

Một là, thi đua là yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan điểm mới về thi đua: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(1). Đây là một quan điểm thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong tư tưởng về thi đua, thể hiện cách nhìn sâu rộng và là một sự phát triển mới về thi đua. Quan niệm “Thi đua là yêu nước”, Bác đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng mới. Trước đây, nói về thi đua, người ta thường cho thi đua là một hoạt động nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất, công tác hoặc là một hoạt động trong công việc nào đó nhằm khích lệ, thúc đẩy sự nỗ lực, nhiệt tình và sự sáng tạo trong lao động. Theo Người, thi đua không chỉ là hoạt động sáng tạo, tích cực trong lao động, trong công việc hằng ngày, mà nó trở thành hoạt động tư tưởng và tinh thần, của lòng yêu nước, là biểu hiện của tinh thần đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và tinh thần quốc tế cao cả. Bác đã đặt tên cho phong trào thi đua của nhân dân ta là “Phong trào thi đua yêu nước”, biến thi đua thành sức mạnh của dân tộc trong lao động sản xuất và trong chiến đấu. Quan niệm thi đua là yêu nước được thể hiện ở việc lấy thi đua làm động lực phát huy tinh thần yêu nước, động lực đó được thể hiện bằng hành động thực tế; ngược lại lấy lòng yêu nước để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thi đua. Ngay từ khi phát động phong trào thi đua, Bác nói: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”(2). Nhiệm vụ của thi đua yêu nước phải gắn liền tư tưởng, tinh thần với hành động cụ thể.

Hai là, thi đua phải có sự lãnh đạo đúng đắn

Bác Hồ nói: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”(3). Câu nói ngắn gọn đó chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Do đâu mà thi đua phải có sự lãnh đạo đúng? Lãnh đạo thi đua đúng là thế nào? Cần làm gì để lãnh đạo thi đua đúng?

Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng, là một tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu của phong trào. Để phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, liên tục đồng thời đạt được hiệu quả cao, cần có sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm các mặt hoạt động thi đua ăn khớp với nhau, nhằm vào mục đích chung, vào mục tiêu đã định theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự lãnh đạo thi đua đúng là kết quả của một quá trình nhận thức và hành động đúng đắn. Đó còn là khoa học, nghiệp vụ, là nghệ thuật lãnh đạo tổ chức vận động quần chúng hăng hái phấn đấu phát huy trí tuệ, tinh thần nỗ lực, sáng tạo, vượt qua thách thức và các hiện tượng tiêu cực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế nhằm giành kết quả tốt nhất theo đúng định hướng của cách mạng, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các giai đoạn cách mạng. Bác chỉ ra lãnh đạo đúng phong trào thi đua không chỉ là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, mà còn là lợi ích của bản thân người lãnh đạo. Nói là lợi ích của lãnh đạo vì khi phong trào thi đua phát triển động viên mọi người hăng hái thi đua đạt hiệu quả cao trong mọi nhiệm vụ, thì người lãnh đạo mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình, thậm chí là hoàn thành với mức cao. Theo Bác, lãnh đạo phong trào thi đua phải được coi là một nhiệm vụ công tác quan trọng của cơ quan lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo trực tiếp. Nhấn mạnh sự lãnh đạo thi đua của các cấp ủy đảng, Bác nói: “Dưới sự lãnh đạo chung của Đảng, các đồng chí thủ trưởng các bộ, các ngành và các địa phương, cùng công đoàn và Đoàn Thanh niên Lao động cần phải bảo đảm lãnh đạo phong trào thi đua năm sau cho thật tốt ”(4).

Ba là, thi đua phải có mục đích, mục tiêu và phải có kế hoạch cụ thể

Thi đua phải có mục đích rõ ràng, khoa học, toàn diện và cụ thể. Có mục đích cho cả nước, cho từng vùng miền, từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi; đồng thời phải có mục đích thi đua lâu dài và trước mắt. Mục đích trước mắt tạo điều kiện tiến tới thực hiện mục đích lâu dài. Trong từng thời gian có mục tiêu đột xuất giải quyết khâu quan trọng, then chốt, thúc đẩy các khâu khác phát triển. Mục đích thi đua phải gắn liền với các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, kháng chiến cứu nước, xây dựng đất nước, phù hợp với khả năng thực tế trong từng thời kỳ để nâng cao từng bước một cách tích cực.

Sau khi đã xác định mục đích thi đua, bất kỳ phong trào thi đua nào cũng phải xác định mục tiêu, kế hoạch phấn đấu một cách cụ thể, khoa học, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Kế hoạch đề ra phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, khả năng có thể đạt được để động viên mọi người phấn đấu vươn lên. Kế hoạch thi đua phải được quần chúng tham gia xây dựng đóng góp ý kiến một cách dân chủ, có biện pháp thiết thực, tích cực, tránh “đại khái”. Bác phê bình việc lập kế hoạch thi đua không sát với thực tiễn, ban đầu thì ồ ạt rồi yếu sức đi không tiếp tục thi đua được. Tránh tình trạng kế hoạch thiếu sự thống nhất dẫn đến việc “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; nhân dân không biết theo kế hoạch nào để thực hiện. Các biện pháp đề ra phải đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia phong trào thi đua.

Bốn là, thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn của quần chúng nhân dân

Tư tưởng "lấy dân là gốc" được thể hiện rõ trong thực hiện phong trào thi đua của Người. Theo Người, thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp không phân biệt già, trẻ, gái, trai, không phân biệt tầng lớp giàu, nghèo, không phân biệt ngành, nghề,... Trong thơ chúc Tết Xuân Kỷ Sửu (1949), Người viết:

“Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

Ngày ngày thi đua

Ta nhất định thắng

Địch nhất định thua”(5).

Quan điểm đó được thể hiện trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện của Người. Ngay trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948, Người đã động viên tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng; từ các bà và chị em phụ nữ đến các cháu thanh niên; từ bộ đội, dân quân đến nhân viên Chính phủ; từ giáo viên đến học sinh; từ sĩ, nông, công, thương, binh đến kiều bào ở nước ngoài và đồng bào trong vùng bị tạm chiếm;… hãy ra sức thi đua tham gia kháng chiến và kiến quốc.

Năm là, phong trào thi đua phải được thực hiện thường xuyên, liên tục

Thi đua không phải chỉ một giai đoạn, một thời kỳ, mà phải thường xuyên, liên tục, kết thúc đợt này chuyển ngay sang đợt khác cao hơn, chất lượng hơn nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng. Với quan điểm trên, Bác đã kêu gọi động viên, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong lao động sản xuất và trong công tác chiến đấu.

Theo quan điểm của Người, công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua, mọi việc phải thi đua. Đây là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng về thi đua yêu nước của Người. Nói đến công việc hằng ngày tức là nói đến hoạt động lao động sản xuất, hoạt động xã hội của con người. Nhờ có hoạt động này mà xã hội loài người tồn tại và phát triển. Nêu lên công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua có thể nói đó là một sự khám phá tài tình, một sự am hiểu thực tiễn sâu sắc của Hồ Chí Minh trong hoạt động thi đua của con người. Ở rất nhiều bài viết, bài nói chuyện và những lời dạy của Bác đều toát lên một tư tưởng: Làm việc gì cũng phải có thi đua, thi đua gắn liền với mọi người, gắn liền với công việc hằng ngày. Trong Lời kêu gọi phát động thi đua yêu nước ngày 01-8-1949, sau khi khen ngợi, biểu dương kết quả thi đua của đồng bào chiến sỹ cả nước, Bác đã chỉ rõ:

“Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc. Do đó mà có những khuyết điểm như sau:

Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”(6).

Những điều Bác nói ở trên thể hiện ngắn gọn, đơn giản, súc tích về thi đua trong công việc hằng ngày. “Công việc hằng ngày” ở đây chính là những việc làm của mỗi người do xã hội phân công; là quá trình tham gia sản xuất, công tác của mỗi người nhằm đóng góp sức lực cho sự phát triển của xã hội. Xã hội càng phát triển thì công việc hằng ngày đòi hỏi càng phải gắn với thi đua nhiều hơn để tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu của phát triển. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất kỳ công việc gì ích nước, lợi nhà đều có thể và cần phải thi đua. Thi đua ở mọi công việc, mọi lĩnh vực, trong lao động sản xuất cũng như trong đời sống xã hội và được tổ chức thành các phong trào thường xuyên, liên tục.

Sáu là, thi đua xây dựng con người mới, thi đua phát huy sáng kiến, nhân rộng điển hình, sáng kiến, kinh nghiệm tiên tiến

Theo Bác, muốn thi đua phát triển rộng rãi phải dựa vào lực lượng và tinh thần của nhân dân, phải giáo dục bồi dưỡng, lấy thi đua làm trường học xây dựng con người mới. Chính những con người được tôi luyện, trưởng thành trong các phong trào thi đua yêu nước là hạt nhân thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. Để phong trào thi đua đạt được hiệu quả cao cần đẩy mạnh việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, làm cho sản xuất đạt hiệu quả, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện và vững chắc. Bác rất coi trọng sáng kiến kinh nghiệm. Tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (tháng 5-1952), Bác nói: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng,… Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những con sông to chảy vào biển cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm là lãng phí của dân tộc”(7).

Bảy là, phải chú trọng khen thưởng kịp thời

Bác nói: “Thưởng phạt phải nghiêm minh, có công thì thưởng, có lỗi thì phạt; có công mới có huân, phải có công huân mới được thưởng huân chương, thưởng cái nào đích đáng cái ấy,... khen thưởng phải có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương”(8). Phải khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời để khuyến khích mọi người hăng hái tham gia phong trào thi đua, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ được giao.

Tư tưởng thi đua yêu nước và những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, tổ chức vận động phong trào thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng trong suốt 2 cuộc kháng chiến cũng như trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” hiện nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta về nhận thức, về công tác lãnh đạo, tổ chức, vận động phong trào thi đua yêu nước. Hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc đang đặt ra cho chúng ta những yêu cầu và những giải pháp cơ bản sau:

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng phong trào thi đua yêu nước hiện nay

Thi đua yêu nước theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”(6). Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước đã có tác dụng to lớn, thiết thực, động viên khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức đoàn kết, phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, đem hết tài năng trí tuệ và sức lực phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, cách mạng nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Để nâng cao hiệu quả của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức, xác định đúng động cơ thi đua cho cán bộ, đảng viên các cấp và nhân dân về tầm quan trọng và tính tất yếu của thi đua.

Lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng đơn vị. Bản chất của thi đua, khen thưởng không phải là sự cạnh tranh, ganh đua mà cần hình thành động cơ thi đua trong sáng, lành mạnh, vì lợi ích của mọi người, của tập thể và lợi ích của đơn vị. Động cơ thi đua là tổng hòa những nhân tố tình cảm, ý chí, niềm tin đối với phong trào thi đua. Động cơ thi đua hình thành trên cơ sở giác ngộ sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và vai trò của thi đua, thể hiện sâu sắc nhận thức và trách nhiệm của mỗi người đối với sự lớn mạnh của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở xây dựng động cơ đúng mà xây dựng quyết tâm hoàn thành hoàn thành các chỉ tiêu, định mức của thi đua.

Hai là, phát huy truyền thống yêu nước trong mỗi người Việt Nam thành phong trào thi đua chấn hưng đất nước, thoát nghèo nàn lạc hậu

Thi đua cũng là một phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước. Thi đua là phương thức tốt nhất để phát huy lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi con người. Thi đua là phương pháp cách mạng mang bản sắc, truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11-6-1948 - 11-6-2018) diễn ra vào sáng ngày 03-6-2018 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về thi đua và phong trào cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan điểm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực hội nhập quốc tế.

Ba là, phát động các phong trào thi đua thiết thực, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, phong trào thi đua cần phải được tổ chức một cách thiết thực, sâu rộng và bao quát được toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cơ quan đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, các lực lượng vũ trang. Thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Chú ý tính nhân dân, tính phổ biến trong các chủ trương thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thi đua là dùng lực lượng của dân, tinh thần của dân để mang lại hạnh phúc cho dân. Thi đua là vì dân, cho nên phải trở thành bổn phận của mỗi cơ quan, ban ngành và mỗi người dân.

Bốn là, thi đua cần kiệm, tăng năng suất lao động đi đôi với chống quan liêu, tham ô và lãng phí

Đây là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Thực hiện tốt việc chống quan liêu, tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi trong Đảng sẽ có tác động quyết định đến việc chống quan liêu, tham nhũng, thực hành dân chủ, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Vì thế, đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm đối với sự phát triển của đất nước ta hiện nay. Yêu nước thì phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu như truyền thống dũng cảm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cuộc chiến đấu cực kỳ gay go, phức tạp. Đảng, Nhà nước phải biết dựa vào dân để chống quan liêu, tham ô, lãng phí một cách có hiệu quả, củng cố vững chắc “Thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, kịp thời khen thưởng, động viên, khen thưởng phải đúng người, đúng việc, chống báo cáo sai, khen không đúng người, đúng việc

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời và bảo đảm tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng. Cần phải theo sát các phong trào thi đua, căn cứ vào thành tích trong phong trào thi đua để khen thưởng. Xây dựng, ban hành các quy định cụ thể để thực hiện Luật Thi đua Khen thưởng và tặng thưởng các huân chương, huy chương. Kiên quyết chống tiêu cực và bệnh hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng. Phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng công tác thi đua, khen thưởng tới đông đảo quần chúng nhân dân. Cần khen thưởng đúng người, đúng việc; chú trọng khen thưởng đột xuất, từ đó nhân rộng cá nhân, điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi người học tập làm theo. Cần kịp thời phát hiện sớm những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến khen thưởng đột xuất ngay để động viên kịp thời và sớm nhân rộng các điển hình xuất sắc.

Nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong tình hình hiện nay chính là làm cho công tác thi đua, khen thưởng vừa kế thừa, vừa phát triển mạnh mẽ lên tầm cao mới, tạo nên được sức mạnh đoàn kết tổng hợp của các lực lượng, các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh có thể sánh vai tiến bước cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

----------------------------------------------------

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 407.
(2). Hồ Chí Minh,Sđd, Tập 6; tr. 170.
(3). Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 7; tr. 146.
(4). Hồ Chí Minh, Sđd,Tập 13; tr. 521.
(5). Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 6; tr. 23. 
(6). Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 6; tr. 169. 
(7). Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 7; tr. 404.
(8). Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 11; tr. 234.

TS. Đỗ Minh Tuấn(*), Th.S. Nguyễn Thị Phương(**)(*) Học viện Báo chí và Tuyên truyền(**) Học viện Chính trị Công an Nhân dân

Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN