Tỷ giá ngoại tệ ngày 30-5: USD tăng giá

30/05/2020 - 08:40

Đồng USD tăng giá khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang về vấn đề Hong Kong.

Tỷ giá trong nước

Ngày 29-5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.261 đồng (giảm 10 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).

Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ phổ biến ở mức 23.210 đồng (mua) và 23.390 đồng (bán).

Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.210 đồng/USD và 23.390 đồng/USD. Vietinbank: 23.193 đồng/USD và 23.375 đồng/USD. BIDV: 23.205 đồng/USD và 23.385 đồng/USD. ACB: 23.220 đồng/USD và 23.370 đồng/USD.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất tại dự thảo là NHNN cho phép TCTD, chi nhánh NHNg được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23-01-2020 đến trước ngày 25-4-2020.

NHNN cho biết, theo quy định tại Thông tư 01, TCTD, chi nhánh NHNg được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với các số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01.

Theo đó, chỉ có các khoản giải ngân trước ngày 23-01-2020 mới có kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23-01-2020, do đó, quy định trên được hiểu rằng, Thông tư 01 không áp dụng đối với số dư nợ giải ngân sau ngày 23-01-2020.

Tỷ giá

Tỷ giá ngoại tệ

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giao dịch ở mức 99,808 tăng 0,41%.

Theo Bloomberg, cho đến nay, chưa có đủ bằng chứng chứng minh rằng nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn hoặc công dân nước ngoài tại Hong Kong đang cố gắng rút tiền đi.

Những diễn biến mới nhất xảy ra sau khi trong năm vừa qua, Hong Kong đã rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ do nhiều biến động chính trị tiêu cực.

Văn phòng ủy ban bình ổn tài chính và phát triển, thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, thông báo nước này sẽ áp dụng 11 biện pháp cải cách tài chính trong tương lai gần.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, xuống mức thấp kỷ lục 0,5%, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc đang được dự báo sẽ ở mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Động thái trên diễn ra chỉ hai tháng sau khi BoK hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% xuống 0,75%, đánh dấu đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 10/2008.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay các nền kinh tế thị trường mới nổi đã huy động được số vốn vay lên tới khoảng 77 tỷ USD trong hai tháng 4-5/2020, sau khi số vốn rút khỏi các thị trường này lên tới 100 tỷ USD kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Phát biểu tại một hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết IMF đã cung cấp 22 tỷ USD hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 60 trong 103 quốc gia đề nghị hỗ trợ trong khi cung cấp các khoản viện trợ để giúp 27 nước thuộc nhóm thành viên nghèo nhất của IMF thanh toán chi phí đi vay trong 6 tháng.

Theo ĐÔNG SƠN (Vietnamnet)