UBND tỉnh An Giang họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2024

05/04/2024 - 12:08

 - Sáng 5/4, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp thường kỳ bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

3 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 5,39%. Mặc dù mức tăng trưởng này thấp hơn so mức tăng của cả nước, nhưng đứng thứ 4/13 các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 33/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Các tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,92% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 28.037 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD, tăng gần 5,32% so cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.725 tỷ đồng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế của quý I năm 2024; triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định.

Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó lưu ý giải ngân đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các dự án trọng điểm của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản ở các mỏ cát theo nội dung cấp bản xác nhận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước lưu ý, các sở, ngành địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2023….

MỸ LINH – TRỌNG TÍN