Đưa công nghệ vào sản xuất
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã phối hợp nhiều đơn vị tổ chức các buổi hội thảo, trình diễn giới thiệu về thiết bị bay không người lái (Drone) tại nhiều địa phương. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đã và đang từng ngày giải phóng sức lao động của con người, bảo vệ sức khỏe nông dân trong quá trình trực tiếp tham gia canh tác. Việc áp dụng Drone đang góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm nhân công lao động, giảm nguy cơ ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Bên cạnh đó, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, từng bước chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh và bền vững.
Nông dân tại buổi trình diễn thiết bị bay phục vụ canh tác lúa tại xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành)
Giữa tháng 1-2022, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp Công ty Cổ phần Đại Thành, Công ty Phân bón Bình Điền tổ chức trình diễn, hội thảo thiết bị bay không người lái PG-40, phun phân bón Đầu Trâu TE A1 tại xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành). Đây là cánh đồng được thực hiện theo quy trình canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo anh Nguyễn Lê Vinh (cán bộ Trung tâm Khuyến nông An Giang), Drone PG-40 của Công ty Cổ phần Đại Thành được dùng để phun phân bón, thuốc BVTV và gieo hạt giống. Drone PG-40 có trọng lượng 33kg, bình chứa thuốc BVTV được 20kg, với thời gian phun trung bình 30 phút/ha, bao gồm cả quá trình thay pin. Ruộng lúa khi phun sẽ được định vị, lập trình đường bay nên việc phun xịt rất chính xác, thao tác xử lý dễ dàng, chỉ cần hướng dẫn nông dân là có thể thực hiện được.
Trực tiếp tham gia tại buổi trình diễn, được tận mắt chứng kiến những thiết bị bay phun thuốc trên cánh đồng, nông dân rất phấn khởi. Lâu nay, mỗi lần phun xịt thuốc, bà con phải đeo vác bình sau lưng, vừa nặng lại trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc BVTV nên khó tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn khi sử Drone trên đồng lúa, sẽ giúp giảm nhân công lao động, phun nhanh, đều nên tiết kiệm được chi phí… Việc áp dụng Drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là bước chuyển đổi quan trọng trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa ngành nông nghiệp. Từ đó, góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.
Áp dụng kỹ thuật canh tác mới
Trồng nấm rơm trong nhà giúp nông dân giải quyết được những khó khăn do ảnh hưởng bởi thời tiết nắng, mưa thất thường so với cách trồng ngoài trời. Chỉ cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh nhà trồng sạch, đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ cũ và vụ mới là bà con hoàn toàn có thể trồng nấm rơm và cho thu hoạch quanh năm. Trồng nấm rơm trong nhà không còn là một mô hình xa lạ với nông dân ở các địa phương, phù hợp với các nông hộ muốn kiếm thêm thu nhập, tận dụng diện tích đất trống của gia đình để phát triển.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến (xã Phú Hưng, huyện Phú Tân) đã bàn bạc với chồng là anh Trần Tấn Tài đi tham quan, học tập kỹ thuật từ những vùng trồng nấm rơm lớn trong và ngoài tỉnh. Học hỏi và đúc kết kinh nghiệm, vợ chồng chị Yến quyết định xây dựng mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng trụ và kê kệ, với những kỹ thuật của riêng mình. Vợ chồng chị Yến hiện phát triển 2 trại nấm với diện tích 135m2 và 362m2, được trồng theo dạng trụ và kệ. Chị Yến canh tác 2 trại nấm theo kiểu gối vụ, đảm bảo được lượng nấm rơm thu hoạch quanh năm. Với cách làm này, sẽ dễ dàng kết nối với các thương lái vì có hàng thường xuyên, giá cả ổn định hơn.
Khác biệt trong kỹ thuật trồng so với truyền thống mà nhiều nông dân thường làm là chị Yến sử dụng tro để phủ bề mặt meo nấm. “Tro có tác dụng giữ ấm, kích thích tạo quả thể nhanh và đồng đều, sức đề kháng của nấm mạnh, giảm tỷ lệ nấm chết non… Với kỹ thuật này, năng suất nấm sẽ cao hơn 2,5 lần, lợi nhuận cao gấp 3 lần do nấm trồng trong nhà chất lượng tốt hơn” - chị Yến chia sẻ.
Thuận lợi của việc trồng nấm trong nhà là giúp nông dân quản lý được thời gian, điều chỉnh thời vụ canh tác để có thể cho thu hoạch nấm quanh năm, tăng thu nhập, người trồng dễ kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ… Tuy nhiên, đối với mô hình trồng nấm rơm trong nhà, nếu muốn thành công đòi hỏi nhiều kỹ thuật canh tác hơn.
Người trồng phải kiểm soát từ rơm nguyên liệu, tỷ lệ phối trộn rơm và bông vải, meo nấm cho đến kỹ thuật ủ, đảo rơm, lựa chọn diện tích nhà trồng phù hợp để trồng dạng trụ hay kệ… Nấm rơm được trồng trong nhà có chất lượng sạch, an toàn khi nấm to, tròn, trắng, đẹp nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. “Vào ngày rằm, Tết, nấm rơm thường hút hàng, giá khá cao nên trong thời gian tới, tôi sẽ điều chỉnh thời vụ sao cho sản lượng nấm thu hoạch nhiều hơn vào những ngày này, lợi nhuận sẽ cao hơn” - chị Yến cho hay.
ÁNH NGUYÊN