Vai trò “bệ đỡ” của ngành nông nghiệp

14/10/2021 - 04:01

 - Trong nhiều lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng thấp thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy sự cố gắng và vai trò “bệ đỡ” của ngành nông nghiệp.

Tăng trưởng ấn tượng

Do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng của An Giang chỉ ước tăng 1,6%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (9 tháng của năm 2020, GRDP tăng 2,45%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đều có mức tăng thấp. Ngược lại, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt được mức tăng trưởng 2,33% (9 tháng của năm 2020, tăng 1,95%).

Kết quả này có được nhờ năng suất lúa bình quân cao hơn so với cùng kỳ, nông dân sản xuất thuận lợi, “trúng mùa, trúng giá”; sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm cũng tăng cao so cùng kỳ 2020; tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản cũng tăng khá. Toàn tỉnh đã nỗ lực, vượt khó, hỗ trợ nông dân thu  hoạch và tiêu thụ nông sản trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 9 tháng của năm 2021, diện tích gieo trồng toàn tỉnh được hơn 498.000ha (bao gồm lúa và hoa màu), đạt 99,92% so với kế hoạch và giảm 3.000ha so cùng kỳ 2020. Bù lại, năng suất lúa bình quân đạt 67,41 tạ/ha, tăng 5,09% so với cùng kỳ (tăng 3,26 tạ/ha). Sản lượng lúa đạt gần 3,13 triệu tấn, tăng 4,74% so (tăng 142.000 tấn).

Cán bộ nông nghiệp thường xuyên thăm đồng (ảnh chụp trước khi bùng phát dịch COVID-19)

Đối với cây lâu năm, diện tích hiện có hơn 20.000ha, tăng 1.000ha so cùng kỳ 2020. Trong đó, diện tích cho sản phẩm là nhóm cây ăn trái chiếm ưu thế, đạt gần 18.000ha (tăng 1.200ha). Tổng sản lượng thu hoạch của các loại cây ăn trái trong 9 tháng qua đạt hơn 200.000 tấn, tăng 14,25% so với cùng kỳ (tăng 21.000 tấn).

Về chăn nuôi, công tác phòng ngừa dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm luôn được chú trọng và kiểm soát tốt. Một số doanh nghiệp (DN) và nhiều hộ chăn nuôi đã mở rộng quy mô đàn, góp phần làm cho đàn chăn nuôi có xu hướng gia tăng về số lượng và sản phẩm. Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội nên việc giao thương giữa thương lái và các hộ chăn nuôi gặp trở ngại, giá heo hơi có xu hướng giảm từ 20.000-25.000 đồng/kg so cùng kỳ. Dự báo đến cuối năm 2021, khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng, giá heo hơi sẽ ổn định lại do nhu cầu tiêu thụ lớn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tín hiệu tích cực

Ngày 27-2-2021, Tập đoàn TH đã khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao vào loại hiện đại bậc nhất ĐBSCL tại An Giang. Hiệu ứng từ dự án lớn này đã kéo theo nhiều DN đầu tư vào trang trại nuôi bò theo hướng gắn với vùng nguyên liệu đồng cỏ. Quy mô đàn trâu, bò có dấu hiệu hồi phục do tăng diện tích đồng cỏ tự trồng và tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp.

Sau giai đoạn sụt giảm do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo Châu Phi, đàn heo trên địa bàn An Giang đang hồi phục tốt. Hiện ước tổng đàn heo toàn tỉnh có khoảng 57.000 con, tăng 2.300 con so cùng kỳ 2020. Trong khi đó, đàn trâu, bò toàn tỉnh có khoảng 68.700 con (tăng 1.000 con), trong đó đàn bò hơn 64.000 con (tăng 900 con); đàn gia cầm hiện có hơn 4,9 triệu con (tăng 100.000 con), chủ yếu do tăng quy mô đàn vịt (hơn 3,6 triệu con, tăng 200.000 con).

Đối với thủy sản, nhờ các DN thực hiện chu trình khép kín vùng nuôi - chế biến nên vẫn đảm bảo lợi nhuận. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tính chung 9 tháng của năm 2021 ước đạt hơn 368.000 tấn, tăng 1.400 tấn so cùng kỳ 2020. Các DN thủy sản đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất - kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao dịp cuối năm 2021 và đầu năm mới 2022.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng tăng 2,33%, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2020 (tăng 1,95%), nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch năm 2021 (tăng 2,8-2,82%). Do vậy, Sở NN&PTNT đang khẩn trương phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất các giải pháp bổ sung để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực I, nhằm góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Những tháng cuối năm 2021, ngành nông nghiệp tập trung bảo vệ sản xuất, kiểm tra các công trình thủy lợi phục vụ công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Đồng thời, thực hiện thống kê, báo cáo số lượng nông sản không tiêu thụ được và các khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ để kịp thời giải quyết.

Sở NN&PTNT An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025; kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh, xúc tiến tiêu thụ rau màu và rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025.

Ngành nông nghiệp tiếp tục sản xuất cá giống các loại theo nhu cầu của thị trường; tiếp tục tìm kiếm đối tác cho các hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất giống các loại thủy sản nước ngọt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, cung cấp sản phẩm thủy sản an toàn vào Co.opMart Long Xuyên.

 

NGÔ CHUẨN