VnSAT giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng lúa gạo theo chiều sâu

24/04/2020 - 05:48

 - Mục tiêu chính của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh An Giang là nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Những năm qua, dự án đã tập trung áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để tăng chất lượng lúa gạo, thúc đẩy ngành hàng lúa gạo tăng trưởng bền vững theo chiều sâu.

Chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến

Là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, An Giang đạt sản lượng lương thực bình quân hơn 4 triệu tấn/năm. Đây cũng là địa phương được lựa chọn thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) giai đoạn 2015-2020. Dự án VnSAT An Giang được triển khai trên địa bàn 45 xã thuộc 5 huyện: Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn, thu hút sự tham gia của hơn 26.000 hộ nông dân, với quy mô 38.600ha.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo chiều sâu, những năm qua, Ban Quản lý dự án VnSAT An Giang đã chủ động phối hợp các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, trong đó nòng cốt là cán bộ của ngành bảo vệ thực vật và khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở để chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho hơn 14.000 lượt nông dân, thông qua 100 điểm trình diễn và 450 lớp đào tạo tập huấn trên diện tích 22.000ha.

Mô hình trình diễn canh tác lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm” tại xã Đa Phước (An Phú). Ảnh: Ban Quản lý dự án VnSAT An Giang

Anh Dương Chí Tôn cán bộ trồng trọt huyện An Phú, Điều phối viên dự án VnSAT An Giang) cho biết, thời gian tập huấn được chia thành từng đợt, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, từ giai đoạn làm đất, gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản.

“Bà con được tạo điều kiện thao tác thực hành, trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa tiên tiến và được chứng minh cho thấy hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Sau khi được tập huấn, nhiều hộ nông dân đã vận dụng khá tốt các kiến thức được truyền đạt vào thực tế đồng ruộng. Nổi bật là bà con giảm lượng lúa giống trong gieo sạ từ 20kg/công xuống còn 8 - 10kg/công, đồng thời giảm lượng phân đạm, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng” nhưng năng suất lúa vẫn ổn định ở mức cao” - anh Tôn thông tin.

Những kết quả nổi bật

Trên thực tế, áp dụng giảm lượng giống theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” đã được minh chứng hiệu quả qua nhiều vụ canh tác tại các hợp tác xã (HTX) nằm trong vùng dự án VnSAT. Năm 2019, diện tích lúa nông dân áp dụng tốt chương trình “3 giảm, 3 tăng” sau đào tạo là 14.900ha, đạt 87% mục tiêu dự án đề ra; diện tích áp dụng tốt quy trình “1 phải, 5 giảm” đạt 13.700ha, đạt 161% mục tiêu dự án đề ra.

Trong đó, nhiều địa phương được ghi nhận có thành tích sản xuất cao, vượt mục tiêu của dự án như: xã Mỹ Phú, Ô Long Vĩ (Châu Phú); xã Phú Hữu, Đa Phước (An Phú); xã Núi Voi và Vĩnh Trung (Tịnh Biên). Đặc biệt, tại HTX nông nghiệp An Bình (xã An Bình, Thoại Sơn), 100% hộ dân đã áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn.

Phấn khởi với những lợi ích mà dự án VnSAT mang lại, ông Trần Văn Cá (nông dân ấp Phú Hiệp, xã An Bình) đã làm 1 bài thơ thể hiện tình cảm của mình đối với dự án VnSAT: “VnSAT nông nghiệp đỉnh cao/Nông dân áp dụng sẽ giàu nay mai/“1 phải, 5 giảm” làm ngay/Tăng cao lợi nhuận ai ai cũng ghiền/Sạ dày sâu bệnh triền miên/Mãi lo phun xịt muốn điên cái đầu/Sạ thưa ít bệnh, ít sâu/Có thời gian rảnh hết rầu, hết lo”.

Ghi nhận tại các HTX tham gia dự án, lợi nhuận của nông dân đã tăng trung bình 21,5%. Trong mức lợi nhuận tăng này, 18% đến từ việc bà con giảm đáng kể lượng lúa gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; 3,5% còn lại đến từ yếu tố giống, năng suất.

Đặc biệt, nhiều địa phương trong vùng dự án nhờ áp dụng tốt các giải pháp canh tác tiên tiến, chất lượng sản phẩm gạo hàng hóa được nâng cao đã thu hút doanh nghiệp bao tiêu với giá thu mua cao hơn thị trường từ 200-500 đồng/kg. Chỉ tính riêng vụ thu đông 2019, toàn vùng dự án có 26 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với diện tích hơn 3.200ha…

“Mục tiêu của dự án là đến năm 2020, tất cả các hộ dân trong vùng dự án được đào tạo, tập huấn “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, đạt mức áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững trên 75%, đảm bảo mức lợi nhuận từ trồng lúa cho người dân tăng từ 3,5-4,5 triệu đồng/ha” - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT An Giang Đoàn Ngọc Phả nhấn mạnh.

LÊ HOÀNG VIỆT (Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang)