Chúng tôi cùng đi thăm vườn mít Thái viên linh với anh Thìn rộng bạt ngàn, được quy hoạch thành từng khu, giữa có lối đi dành cho xe máy cày, xung quanh bờ lô đều trồng xen cây cau, dừa.
Anh Thìn cởi mở: “Bao lâu nay người dân trong buôn trồng cây gì cũng không ăn thua vì đất quá xấu, nghèo chất dinh dưỡng. Vì vậy khi thấy gia đình mình bỏ một đống tiền đầu tư trồng mít, nhiều người lắc đầu ngao ngán, bảo mình “gàn”...”.
Anh Nguyễn Đình Thìn được mệnh danh là "vua mít" ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk). Anh Thìn hiện đang sở hữu trang trại trồng mít Thái viên linh rộng hơn 20 ha. Anh Nguyễn Đình Thìn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018).
Anh Nguyễn Ðình Thìn tiết lộ: "Nếu bỏ ra một lúc mấy chục tỷ đồng để đầu tư trang trại trồng mít Thái thì không phải ai cũng dám làm và có điều kiện để làm. Nhưng nếu biết “lấy mỡ nó rán nó”, thu đến đâu đầu tư đến đó thì sẽ thành công”.
Nghe anh Thìn kể lại quá trình gầy dựng trang trại trồng mít Thái mới cảm nhận được quyết tâm “biến sỏi đá thành cơm” của vợ chồng anh.
Là chàng trai quê tỉnh Hà Nam, anh Thìn vào Bình Dương làm kinh tế, lập gia đình và có cuộc sống khá ổn định từ đồng lương công nhân trồng cao su.
Năm 2003, qua lời kể của một người bạn về vùng đất Cư Elang, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) anh gom 25 triệu đồng, vào tận buôn Ea Rớt mua 1 ha đất trồng hoa màu.
Vừa chăm chỉ làm lụng, tích cóp, khai hoang, anh mở rộng dần diện tích sản xuất. Năm 2009, anh được một người bạn ở tỉnh Bình Phước tư vấn, cung cây mít giống nên quyết định trồng thử nghiệm cây mít Thái viên linh.
Nhận thấy cây mít Thái viên linh này thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển tốt, sau gần 4 năm cho thu hoạch trái. Trái mít Thái viên linh cho múi mít dày cùi, ăn giòn, ngọt, vợ chồng anh đã nhân rộng lên 20 ha.
Theo anh Thìn, tuy đây là loại cây dễ trồng nhưng để có thể vươn ra thị trường lớn thì trái mít Thái phải đáp ứng yêu cầu về trọng lượng, tròn đều, đẹp, vỏ không bị nám, cơm dày, múi vàng, vị ngọt nên cần chăm sóc bài bản.
Trang trại trồng giống mít Thái viên linh của gia đình anh Nguyễn Đình Thìn ở xã xã Cư Elang, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk).
Để chủ động nguồn nước tưới cho vườn mít Thái vào mùa khô, anh thuê người đào 6 ao trữ nước, 2 giếng khoan và sử dụng hệ thống tưới tự động.
Với suy nghĩ canh tác phải bền vững chứ không thể “ăn xổi”, anh Thìn chú trọng sử dụng các chế phẩm sinh học, vôi, thuốc thảo dược để chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho vườn mít Thái.
Đồng thời, anh sử dụng phân gà, phân bò ủ thành phân hữu cơ rải đều khắp vườn mít Thái cho phân tự phân hủy, thấm dần vào đất, tạo sự tơi xốp, cung cấp dưỡng chất cho cây.
Nhờ vậy, vườn mít Thái của gia đình anh Thìn cho thu hoạch trái đều đặn mỗi năm 2 vụ, sản lượng mít Thái tăng dần qua từng năm.
Hiện tại, sản lượng trung bình của vườn mít Thái đạt khoảng 900 tấn/năm. Với giá bán mít Thái trung bình 10.000 đồng/kg, gia đình anh Thìn thu về 9 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn gần 3 tỷ đồng lợi nhuận.
Hiện nay, vườn mít Thái của nhà anh Thìn không phải lo về đầu ra vì các doanh nghiệp đến đặt hàng, thu mua trực tiếp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, EU...
Trang trại trồng giống mít Thái viên linh của gia đình anh đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trồng mít Thái viên linh giỏi, anh Nguyễn Đình Thìn còn tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện của địa phương.
Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, anh đã vận động các hộ trong vùng hiến đất mở rộng đường và bỏ ra gần 400 triệu đồng để làm con đường cấp phối dài 4 km, giúp nhân dân trong vùng đi lại thuận lợi.
Với những đóng góp, nỗ lực làm giàu trên vùng đất khó, anh Nguyễn Đình Thìn đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018”.
Theo NGUYỄN XUÂN (Dân Việt)