Xây dựng chuỗi giá trị cho cây chúc

22/07/2022 - 07:38

 - Ngoài việc cung cấp cây giống, liên kết với nông dân tiêu thụ các sản phẩm từ cây chúc, anh Nguyễn Thanh Thiện (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) vừa ra mắt sản phẩm “Muối ớt chúc”, được người tiêu dùng đón nhận. Việc đưa ra sản phẩm được chế biến từ trái, lá chúc sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị cho cây chúc, giúp người nông dân thêm thu nhập từ loại cây trồng đặc trưng của An Giang.

Lâu nay, mọi người đa phần đều có suy nghĩ cây chúc chỉ thích hợp phát triển ở vùng Bảy Núi, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng núi non. Anh Thiện cũng đã từng suy nghĩ như vậy, tuy nhiên khi dành hơn chục năm nghiên cứu từ quá trình sinh trưởng, canh tác cây chúc, anh Thiện đã mạnh dạn mang cây chúc về phát triển ở các huyện đồng bằng, như: Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới… Từ 3 năm trước, khi có được nguồn cây giống chất lượng, anh Thiện bắt đầu mở dịch vụ cung ứng cây chúc giống cho nông dân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc xen canh trong vườn cây ăn trái sẵn có.

Theo anh Thiện, sự sinh trưởng của cây chúc khí hậu, thổ nhưỡng chỉ ảnh hưởng một phần, quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật chăm sóc của nông dân. Chính vì lẽ đó, khi bán cây giống, anh Thiện đều kèm thêm dịch vụ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đến khi thu hoạch lá hoặc trái chúc theo nhu cầu của nông dân.

“Khi bán cây giống, lúc nào tôi cũng cam kết có lợi cho bà con. Đầu tiên là hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình canh tác, ngoài ra còn “bao sống” cho cây giống trồng trong những tháng đầu xuống giống. Trong khoảng thời gian thỏa thuận, nếu chết cây nào, nông dân sẽ được hỗ trợ ngay cây mới để thay thế. Bên cạnh đó, còn đưa ra mối liên kết thu mua lại nguồn trái, lá chúc sau khi thu hoạch”- anh Thiện chia sẻ.

Cung cấp được cây giống chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật cùng liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm đã tạo được niềm tin cho nông dân ở các địa phương, bà con sẵn lòng chuyển đổi để canh tác, hợp tác để phát triển. Ngay từ lúc bắt đầu canh tác, nông dân phải xác định được nhu cầu trồng chúc để thu hoạch lá hay trái, như vậy để có hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phát triển khác nhau.

Vì cây chúc khi trồng đúng kỹ thuật, sau khoảng 1,5-2 năm đã tạo tán cho thu hoạch đợt lá đầu tiên. Khi thu hoạch lá cũng phải quan sát, đảm bảo chừa lại khoảng 50% lá trên cây để giúp cây quang hợp, duy trì sự phát triển. Đó là chưa kể, khi thu hoạch không được tước lá, sẽ làm rách da, cây mất sức và chết. Còn sau khi thu hoạch, nông dân phải tiến hành chăm sóc lại, bổ sung dinh dưỡng để cây nhanh phục hồi, chuẩn bị cho đợt thu hái tiếp theo.

Thời điểm mới bắt đầu kinh doanh cây chúc, anh Thiện còn kết nối các công ty sản xuất tinh dầu chúc. Có được đầu ra, anh Thiện bắt đầu liên kết thu mua trái, lá chúc với các hộ nông dân trồng chúc ở các địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

Anh Thiện cho biết, để chiết xuất tinh dầu cần rất nhiều nguyên liệu từ trái, lá chúc, nên phải đảm bảo nguồn cung cân đối. Tuy nhiên, lúc đó anh Thiện lại nhận thấy thị trường về tinh dầu chưa nhiều, chiết xuất tinh dầu cũng cần trải qua nhiều công đoạn, nên giá thành tương đối cao. Mang nhiều tâm huyết với cây chúc, anh Thiện lại bắt đầu suy nghĩ, sáng tạo ra được một sản phẩm từ trái, lá chúc, với mong muốn giúp người nông dân có thêm thu nhập, mang sản phẩm đặc trưng của An Giang có thể vươn xa hơn.

Từ suy nghĩ, anh Thiện bắt đầu lên ý tưởng, triển khai thực hiện và cho ra đời sản phẩm “Muối ớt chúc”. Theo anh Thiện, để làm ra được hương vị “Muối ớt chúc” được người tiêu dùng đón nhận như hiện tại, cũng phải trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm từ mùi vị, màu sắc, độ sánh đặc. Tất cả nguyên liệu đều được anh Thiện sử dụng từ các loại rau, quả tự nhiên ở địa phương, như: Màu xanh từ cải xanh, màu đỏ từ ớt, mùi thơm từ lá và trái chúc… được pha trộn theo bí quyết riêng, không sự bị làm làm nhái.

Phát triển xong sản phẩm “Muối ớt chúc”, anh Thiện lại làm thêm chuỗi sản phẩm gà quay mắm nhỉ, ăn kèm là món nước chấm muối ớt chúc đã nghiên cứu được. Khách hàng mua gà sẽ được tặng kèm muối ớt chúc, ăn thấy ngon nên nhiều người quay lại mua thêm phần nước chấm để mang về chấm hải sản, rau, củ, thịt nướng... Để giới thiệu sản phẩm, ngoài việc nhờ khách hàng truyền miệng sản phẩm ngon, anh Thiện còn tiếp thị bằng cách đến các quán ăn, khu du lịch tặng sản phẩm dùng thử để thực khách được trải nghiệm hương vị đặc biệt.

“Vì sản phẩm liên quan đến ẩm thực, hương vị và chất lượng sẽ quyết định tất cả, do đó nông dân phải có nguồn cây giống chất lượng, không ghép với bất kỳ loại cây nào. Vì khi ghép cây chúc vào một loại cây khác, như: Chanh, bưởi… tốc độ phát triển, cho trái có thể nhanh, nhưng hương vị chắc chắn không còn là vị chúc nguyên bản. Trong khi đó, người tiêu dùng họ chọn lựa sản phẩm của mình là vì thích mùi và vị đặc trưng của cây chúc”- anh Thiện giải thích.

ÁNH NGUYÊN