Xây dựng nông thôn mới thành những “miền quê đáng sống”

02/04/2024 - 08:18

 - Khi quyết tâm xây dựng những xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phương châm “Toàn diện, nâng cao và bền vững” được An Giang chú trọng thực hiện. Tỉnh quyết tâm rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng NTM thật sự trở thành những “miền quê đáng sống”.

Nét đẹp hồn quê

TX. Tân Châu đang vươn mình nâng cấp lên thành phố trẻ, nhưng với xã Châu Phong, một vùng đất đẹp bên dòng sông Hậu, vẫn giữ được những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Nhờ nỗ lực xây dựng NTM, đời sống đồng bào nơi đây cũng khởi sắc hơn, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Chăm được nhiều du khách biết đến. Nghề dệt thổ cẩm, những món ăn, lễ hội riêng biệt giờ trở thành sản phẩm du lịch mang lại thu nhập cho người dân.

“Điển hình như món tung lò mò (lạp xưởng bò), lò mò pđăm (khô bò), trước đây chủ yếu là món ăn nội bộ của người Chăm. Sau khi được hỗ trợ tham gia và được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm không chỉ được tiêu thụ mạnh tại địa phương, bán cho du khách đến tham quan làng Chăm Châu Phong mà còn tiêu thụ khắp cả nước qua kênh thương mại truyền thống và các sàn thương mại điện tử” - ông Hứa Hoàng Vũ (Sa Leh), chủ hộ kinh doanh ANAS (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) phấn khởi.

Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trương Thị Hòa Bình cho biết, đến cuối năm 2023, trên địa bàn thị xã có 7/9 xã NTM (tăng 7 xã so năm 2011), trong đó có 2 xã NTM nâng cao. “Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã, sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ngành tỉnh, nên mặc dù triển khai nhiệm vụ trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vượt lên tất cả và đạt được nhiều thành quả quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn tại TX. Tân Châu” - bà Trương Thị Hòa Bình nhấn mạnh.

Kinh nghiệm trong xây dựng NTM của TX. Tân Châu là phát huy vai trò chủ thể của người dân, hướng đến phục vụ Nhân dân tốt hơn thông qua sự hài lòng của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tranh thủ các chương trình, dự án lồng ghép trong xây dựng NTM.

Đổi thay bộ mặt nông thôn

Sau khi được công nhận đạt chuẩn huyện NTM (năm 2018), Huyện ủy, UBND huyện Thoại Sơn tiếp tục lãnh, chỉ đạo, triển khai nâng chất giữ vững những thành quả đạt được và tiến hành thực hiện ngay các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Nỗ lực của huyện được đền đáp khi Hội đồng thẩm định tỉnh đã bỏ phiếu thống nhất Thoại Sơn đủ điều kiện công nhận huyện NTM nâng cao, cơ sở quan trọng để UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận.

Đến nay, tất cả 14 xã trên địa bàn huyện Thoại Sơn đều đạt xã NTM nâng cao, trong đó xã Định Thành đạt chuẩn “Xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực tổ chức sản xuất” và xã Vĩnh Trạch đạt chuẩn “Xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo”. Đây là kết quả xứng đáng với đóng góp to lớn của vùng đất gắn liền với tên tuổi danh thần Thoại Ngọc Hầu, “vựa lúa” của tỉnh và khu vực. Giờ đây, Thoại Sơn như khoác lên mình chiếc áo hoàn toàn mới. Hệ thống cầu, đường giao thông kết nối liền mạch khắp các miền quê; điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa phát triển không thua kém thành thị.

“Thành quả đạt được trong những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng toàn diện đời sống của người dân nông thôn; vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp rõ nét, hiệu quả hơn; người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ thông qua chỉ đạo thực hiện chương trình, đã gần gũi với người dân, sát sao với thực tiễn hơn, tạo được niềm tin, khí thế mới cho xây dựng NTM trong giai đoạn tới” - lãnh đạo UBND huyện Thoại Sơn đánh giá.

Thiết thực, chất lượng, hiệu quả

Ngay từ đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, An Giang xác định không vội vã chạy theo thành tích mà chú trọng xây dựng NTM đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 76/110 xã NTM (chiếm hơn 69% tổng số xã), 34/76 xã NTM nâng cao (đạt 44,73%), 2/24 xã NTM kiểu mẫu (đạt 5,8%), 3/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đều vượt chỉ tiêu Trung ương giao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, giai đoạn năm 2024 - 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã NTM (năm 2024 có thêm 5 xã,  năm 2025 có thêm 6 xã), để đến năm 2025, toàn tỉnh có 87/110 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 79,09%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, có thêm 7 xã NTM nâng cao (đến năm 2025, có 41/87 xã NTM, tỷ lệ 47,12%); thêm ít nhất 2 xã NTM kiểu mẫu và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 90 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%.

“Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện chương trình” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.

Đối với các xã không nằm trong lộ trình 2021 - 2025, cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí không cần vốn hoặc cần ít vốn đảm bảo đến năm 2025 phải đạt ít nhất 15 tiêu chí để đề xuất vào lộ trình NTM sau năm 2025.


NGÔ CHUẨN