Xử lý nghiêm tình trạng sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng

18/07/2022 - 07:04

 - Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất - kinh doanh (SXKD) phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho người nông dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Nông dân với nỗi lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng

Nông dân gặp khó

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, xuất hiện tình trạng sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cùng với không ít đại lý phân phối tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tài (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bức xúc: “Làm nông nhiều năm nhưng tôi rất khó phân biệt được phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng khi chỉ nhìn bao bì, nhãn mác. Sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả, nông dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, nông dân thua lỗ nặng. Chưa kể những hàng giả này còn gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước. Với những hộ trồng cây ăn trái thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý triệt để tình trạng này”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, vật tư nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được ngành nông nghiệp đặc biệt chú trọng. Theo đó, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các cơ sở SXKD và người dân để nâng cao nhận thức và cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Những tháng đầu năm 2022, Sở NN&PTNT An Giang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 243 cơ sở. Qua đó, phát hiện và xử lý 80 đối tượng vi phạm, chủ yếu kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phân bón không có quyết định lưu hành; phân bón, thuốc BVTV có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật; kinh doanh thuốc BVTV không đủ điều kiện kinh doanh.

Đã xử phạt gần 1,5 tỷ đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm (hàng giả, hàng ngoài danh mục) và đình chỉ lưu thông theo quy định pháp luật. Sở NN&PTNT chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh để điều tra, xử lý 2 vụ (2 tổ chức và 3 cá nhân) có hành vi vi phạm kinh doanh phân bón giả.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Để hạn chế tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác nắm bắt, xử lý thông tin, chú trọng việc phản ánh về chất lượng vật tư nông nghiệp, niêm yết giá...

Qua đó, ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp ngành chức năng thực hiện thanh, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường; chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn; tiếp tục hướng dẫn cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp thực hiện kê khai giá theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mặt khác, về phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV cần xây dựng chiến lược chống hàng giả, nhất là công tác truyền thông về sản phẩm và chủ động đề xuất với các cơ quan nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả. Về phía nông dân, cần lựa chọn nhãn hiệu, thương hiệu tốt, có uy tín, đại lý có uy tín và không nên ham rẻ, không mua thiếu. Khi nông dân mua phân bón, cần lưu mẫu, lấy hóa đơn khi mua. Nông dân mua phân bón với số lượng lớn có thể yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng phân bón thì báo cho ngành nông nghiệp để có hướng xử lý kịp thời.

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao. Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo nông dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ nhằm giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất xanh và sạch hơn.

THU THẢO