Xuất khẩu cá tra tăng mạnh, ngành hàng thủy sản về đích sớm

22/08/2022 - 07:15

 - Xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay tăng mạnh từ sản lượng lẫn giá bán, từ đó giúp doanh nghiệp (DN) và ngư dân trong tỉnh phần nào giảm bớt khó khăn.

Các thị trường chủ lực mà các DN trong và ngoài tỉnh xuất khẩu mạnh là Trung Quốc - Hồng Kông, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia Châu Á. Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần bằng kim ngạch của cả năm 2021 và bằng kế hoạch dự kiến cho cả năm 2022, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Kết quả này có được nhờ lượng xuất khẩu và giá bán sang các thị trường đều tăng trưởng mạnh.

Theo đó, giá trung bình xuất khẩu mặt hàng cá tra phi-lê đông lạnh sang thị trường Trung Quốc (trong nửa đầu năm 2022) đạt 2,45 USD/kg, tăng 37% so cùng kỳ. Giá bán vào thị trường Hoa Kỳ đạt 4,66 USD/kg, tăng 66% so cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra vào thị trường này đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ đạt 356 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường xuất khẩu cá tra tăng, doanh nghiệp mở rộng quy mô nuôi để đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu

An Giang là một trong những địa phương có sản lượng, diện tích nuôi cá tra nhiều nhất ở ĐBSCL, chỉ tính riêng cá tra thương phẩm, diện tích nuôi từ đầu năm đến nay là 1.978ha, bằng 111,1% so cùng kỳ. Như vậy, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nông dân lẫn DN đã nhanh chóng nuôi cá trở lại, tiếp tục đẩy mạnh nuôi cá xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước, trong bối cảnh xuất khẩu cá tra năm nay thuận lợi hơn so với 2 năm chống dịch.

Cụ thể, năm 2020 và 2021, các DN có đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, dù cá có sẵn trong kho nhưng DN không thuê được container hoặc thuê với giá rất cao, từ đó chi phí, giá thành tăng nhiều lần, gây khó khăn rất lớn cho xuất khẩu. Nay, tình trạng thiếu container rỗng đã được khắc phục, giá thuê container trở lại bình thường, điều này tạo điều kiện, cơ hội để các DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh việc đưa sản phẩm sang thị trường các nước.

“Nhân cơ hội thị trường xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại, Tập đoàn Nam Việt đã dồn nhiều nguồn lực đẩy mạnh nuôi cá thương phẩm và chế biến nhằm đáp ứng các đơn hàng từ nay đến cuối năm. Chúng tôi hy vọng, giá xuất bán từ nay đến cuối năm tiếp tục tốt để DN và ngư dân phục hồi sau 2 năm khó khăn do dịch bệnh” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Thị trường xuất khẩu cá tra được mở rộng, sản lượng nhập hàng tại 4 thị trường chủ lực đã tăng mạnh trở lại, đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức lại ngành hàng cá tra theo hướng lượng cung sản phẩm ra thị trường thế giới ở mức vừa đủ, giữ được giá xuất khẩu ở mức có lợi. Giá xuất 1kg cá tra phi-lê ở mức cao, vừa giúp người nuôi cá không bị thua lỗ, vừa không phải bị nước sở tại đánh thuế chống bán phá giá.

Để giữ được giá bán ở mức tốt, nhà nước cần hỗ trợ cho ngành hàng này trên nhiều phương diện khác nhau, như: Sắp xếp lại đầu mối xuất khẩu, đẩy mạnh kiểm soát giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản ở thị trường nội địa; tiếp tục kêu gọi, khuyến khích ngư dân và DN cùng chung tay liên kết với nhau từ khâu nuôi đến chế biến xuất khẩu... Có như vậy, ngành hàng cá tra mới có được sự ổn định và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

“Từ đầu năm đến nay, giá cá tra tăng mạnh và đạt mức 31.000 đồng/kg. Nếu ở mức giá bán này, nhà nước giúp giữ được giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản đừng tăng thì DN và nông dân rất phấn khởi. Còn đằng này, giá cá thương phẩm tăng lên đến 31.000 đồng/kg nhưng giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng theo, từ đó khiến người nuôi có lãi trên mỗi kg cá xuất hầm từ 500-1.000 đồng/kg, nên rủi ro cho người nuôi rất lớn” - ông Nguyễn Văn Minh (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Giá cá tra thương phẩm tăng mạnh đã tác động kéo theo giá cá giống tăng theo. Có thời điểm, cá tra giống mẫu 30 con/kg được thương lái tìm mua với giá 47.000 đồng/kg mà không có cá để thu gom. Tác động dây chuyền đã làm cho ngành hàng cá tra đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Trên phương diện xuất khẩu, hiện toàn tỉnh có 20 DN với 23 nhà máy chế biến cá tra, công suất chế biến đạt 323.420 tấn/năm. Tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra hơn 78.000 tấn, tương đương 189,93 triệu USD về kim ngạch; so cùng kỳ tăng 11,3% về sản lượng và tăng 11,9% về kim ngạch. Xuất khẩu cá tra tăng mạnh, ngành hàng cá tra về đích sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Năm 2021, toàn ngành thủy sản xuất khẩu được 1,6 tỷ USD. Bước sang năm 2022, chỉ trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 1,6 tỷ USD.  

“Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, cần đẩy mạnh khuyến khích việc liên kết và tiêu thụ giữa DN và các hộ nuôi. Tiếp tục củng cố và nâng chất các chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp, để cung cấp con giống chất lượng ra thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, đảm bảo kiểm soát mối tồn lưu dư lượng kháng sinh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng kiến nghị.

 

MINH HIỂN