Địa phương được quyết định dùng bộ sách giáo khoa nào theo chương trình 2018

02/09/2019 - 10:38

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đến nay, Bộ GD&ĐT nhận được 5 bộ sách giáo khoa và đang được Hội đồng quốc gia thẩm định, có thể lựa chọn 3 bộ. Từ đó, UBND các tỉnh, thành tự lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của tỉnh, quyết định sử dụng sách giáo khoa cho phù hợp với điều kiện địa phương.

Chương trình giáo dục phổ thông được ký ngày 26-12-2018 có tên là: Chương trình 2018, đây là cách phân biệt với chương trình hiện hành.


Năm 2020 bắt đầu thực hiện sách giáo khoa theo chương trình 2018. Ảnh: TTXVN. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, chương trình mới tiếp cận năng lực người học theo hướng mở, đảm bảo chặt chẽ có chuẩn đầu ra, có số tiết rõ ràng. Chương trình 2018 không chi tiết mà đưa ra mục tiêu chung về kiến thức, yêu cầu cần đạt phẩm chất năng lực người học. Trong thời gian dạy, giáo viên phải tự sáng tạo, biên chế lại số tiết, kế hoạch dạy học trên lớp cho phù hợp.    

 “Sau khi ban hành chương trình, hai việc chính cần phải làm là thẩm định sách giáo khoa và bồi dưỡng giáo viên. Bộ GD&ĐT nhận được 5 bộ sách giáo khoa và đang trong quá trình thẩm định, có thể lựa chọn 3 bộ. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu thành phố thành lập Hội đồng thẩm định chọn bộ sách cho tỉnh mình”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.    

Việc bồi dưỡng giáo viên cần đảm bảo tiến độ về thời gian để đáp ứng lộ trình triển khai của chương trình giáo dục phổ mới. Theo đó, năm học 2020 - 2021 tới sẽ áp dụng chương trình mới cho tất cả học sinh lớp 1. Năm học 2021 - 2022, chương trình sẽ áp dụng cho lớp 2, lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình áp dụng cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu. Đến năm học 2024 - 2025, các lớp sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.     

Nhưng nhận định về tình hình này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, giáo viên vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc tiếp cận với chương trình 2018. “Việc bồi dưỡng giáo viên trước đây chủ yếu theo cách truyền thụ kiến thức theo một số nội dung có sẵn. Giáo viên cũng muốn được mang cái có sẵn đó về giảng dạy. Tất cả quy trình làm theo cách "cầm tay chỉ việc", rất dễ dàng cho giáo viên và người dạy. Nay cần phải làm rõ, việc bồi dưỡng giáo viên phải theo quy trình chọn giáo viên cốt cán đầy đủ phẩm chất năng lực tiếp thu chương tình. Sau đó triển khai đại trà của đơn vị mình năm 2020. Quá trình bồi dưỡng phải tự bồi dưỡng, muốn làm như vậy có hệ thống lồng ghép. Lồng ghép bồi dưỡng giáo viên thông qua hình thức trực tuyến. Địa phương đưa thông tin cần học lên mạng, bài giảng trên mạng, thầy cô giáo ở nhà đọc nghiên cứu. Sau 1 tháng, sẽ tổ chức toạ đàm trực tiếp giải đáp mọi thắc mắc, khó khăn. Nếu giáo viên không có nhu cầu học tự thân thì không tiếp thu được”.     

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc tập huấn giáo viên được giao nhiệm vụ cho các trường đại học sư phạm và học viện quản lý giáo dục trọng điểm, có hai điểm mới cốt lõi so với phương thức truyền thống, khắc phục những hạn chế trước đây. Thứ nhất, nội dung chương trình bồi dưỡng được xây dựng bám sát yêu cầu đạt chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, hiệu trưởng phổ thông và cán bộ quản lý sở, phòng GD&ĐT. Thứ hai, giáo viên, nội dung tập huấn tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá. Hiệu trưởng tập trung vào quản trị nhà trường. Cán bộ quản lý sở, phòng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý giáo dục.     

Đồng thời, những đơn vị, trường đại học, sở GD&ĐT tham gia không nghiêm túc, kém chất lượng trong công tác bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản phê bình. Lãnh đạo các trường đại học sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GD&ĐT về chất lượng giáo viên được bồi dưỡng.

Theo LÊ VÂN (Báo Tin tức)