Giảm nghèo và câu chuyện “cần câu”, “con cá”

09/11/2018 - 06:50

 - Công tác giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đầu tư nhiều tiền của, công sức để thực hiện các giải pháp nhằm giảm nghèo và hạn chế tình trạng tái nghèo. Để giảm nghèo bền vững, không chỉ trao “con cá” là thực hiện các chương trình hỗ trợ, “cho không”; mà phải tạo “cần câu” để người dân ý thức vươn lên, cải thiện cuộc sống.

Nguyên nhân nghèo

Năm 2010, toàn tỉnh An Giang có 53.700 hộ nghèo, chiếm 12,15% tổng số hộ, trong đó hộ cận nghèo 1.250 hộ. Theo kết quả tổng điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cuối năm 2017 là 28.461 hộ (chiếm tỷ lệ 5,24%), tổng số hộ cận nghèo là 34.020 hộ (chiếm tỷ lệ 6,26%). So với cuối năm 2016, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm 8.265 hộ (chiếm 1,51%) và số hộ cận nghèo tăng 1.175 hộ (chiếm 0,22%)”.

Hiện nay, người nghèo đang được thụ hưởng rất nhiều chương trình, chính sách như: hỗ trợ bảo hiểm y tế 100%, miễn giảm học phí cho con em, hỗ trợ cất mới và sửa chữa nhà ở, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là một bộ phận người dân có tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo, trông chờ vào các chương trình, dự án hỗ trợ…

Theo các chuyên gia, nghèo không phải chỉ do thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu thông tin… mà còn do ý thức của người dân. Ngoài nguyên nhân chủ quan là người dân không muốn thoát nghèo, còn lý do khác là địa phương chưa kịp thời chuyển đổi các chương trình hỗ trợ hoặc các mô hình sinh kế mang lại hiệu quả chưa cao… làm cho công tác giảm nghèo gặp khó. Nhất là đối với các địa phương có đông đồng bào dân tộc, nhiều người dân còn “quen” với cái nghèo, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Cuối năm 2017, Tịnh Biên còn 3.494 hộ nghèo (chiếm 11,45%), Tri Tôn 5.247 hộ (chiếm 15,58%). Trong số này, phần đông thuộc các hộ là đồng bào dân tộc, nhiều hộ có đất canh tác nhưng không phát huy được tư liệu sản xuất.

Một cán bộ làm công tác giảm nghèo huyện Tri Tôn cho biết: một số bà con nghèo không phải do thiếu đất, do địa hình khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt… mà do suy nghĩ của chính người dân sợ thay đổi, sợ cái mới. Nhiều người có suy nghĩ “nghèo cũng chẳng sao”, nên rất khó cho việc vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh những hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer rất chí thú làm ăn, vươn lên khá giả thì còn nhiều hộ vẫn quen với tập quán sản xuất lạc hậu (dù được hướng dẫn kỹ thuật mới), không mặn mà với các mô hình sinh kế mới… nên hiệu quả sản xuất thấp, đời sống luôn khó khăn.

Giảm nghèo và câu chuyện “cần câu”, “con cá”

Hướng dẫn kỹ thuật giúp người nghèo sản xuất hiệu quả

Trao “cần câu”

Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững cần rất nhiều giải pháp. Từ trước tới nay, ở đâu có người nghèo, hộ nghèo cần cứu giúp thì chính quyền và các tổ chức, nhà hảo tâm sẽ tập trung hỗ trợ... Lâu rồi thành quen, tạo nên tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong suy nghĩ một số người. Để giải quyết hiệu quả việc giảm nghèo, vấn đề cốt lõi là phải làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân. Trước hết, cần phải thay đổi khung chính sách, chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang cho vay/cho mượn, có thể ứng vốn đầu vụ đến cuối vụ trả nợ… Có áp lực sẽ thúc đẩy người dân nỗ lực nhiều hơn. Chỉ cần có tính toán thì người nghèo sẽ có động cơ trả nợ, vì thế mới có thể tự vươn lên, chí thú làm ăn để thoát nghèo.

Theo thống kê, đa số người nghèo là nông dân, nên cuộc sống phụ thuộc rất lớn vào ruộng đất. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, miền núi khó khăn thì người nghèo có rất ít ruộng đất. Thế nên, chính quyền cần khuyến khích nông dân cải tạo ruộng đất, áp dụng kỹ thuật mới và hỗ trợ giống tốt để sản xuất có hiệu quả. Nếu trường hợp người nghèo cầm cố đất thì cần có chính sách hỗ trợ vốn chuộc lại đất để có cơ hội sản xuất, tích lũy. Một yếu tố quan trọng là thực hiện có hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ. Bởi, hộ nghèo thường đông con, bình quân mỗi hộ có đến 4 - 6 người, 1 người lao động phải nuôi 2 - 3 người. Việc sinh đẻ quá nhiều khiến cho người nghèo (nhất là phụ nữ) khó có khả năng tham gia các hoạt động sản xuất, nên đời sống càng thêm khó khăn. Cùng với đó, thực hiện chính sách chăm lo sức khỏe, giáo dục cho người nghèo nhằm nâng cao trình độ dân trí, giúp bà con tiếp cận kiến thức mới vào sản xuất.

Kinh nghiệm ở tỉnh Đồng Nai là thực hiện chính sách đưa “những cái thiếu” về vùng khó khăn, như: đem con chữ đến với người nghèo, gắn chế biến nông sản với vùng nguyên liệu (vừa hiện đại hóa nông thôn, vừa tạo việc làm cho nông dân), đưa ngân hàng về cơ sở (hỗ trợ vốn vay để người dân có điều kiện làm ăn)… Một số tỉnh còn triển khai hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, trong đó ưu tiên hộ nghèo có phụ nữ, người dân tộc, hộ di dân tái định cư, hộ chính sách… Đồng thời, hỗ trợ vốn, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ thiếu đất, giúp hộ nghèo và cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các tổ chức, đoàn thể, cán bộ tín dụng, cán bộ khuyến nông còn tích cực hướng dẫn hộ nghèo lập dự án, tổ chức thực hiện các dự án sản xuất - kinh doanh và giám sát trong việc sử dụng vốn vay để đảm bảo đúng mục đích…

Người nghèo thì cái gì cũng thiếu, cũng cần! Tuy nhiên không thể cho “con cá” mãi được, cần trao “cần câu” để người nghèo biết “câu cá”. Nghĩa là tạo nên các chính sách, hướng dẫn mô hình hay, cách làm hiệu quả để người nghèo vận dụng vào sản xuất, làm ăn. Vấn đề là cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng xã hội thì sự “tự giác vươn lên” của người nghèo là quan trọng nhất. Cùng với đó, các cấp quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn để giúp người dân thoát nghèo bền vững. 

HỮU HUYNH