Nụ cười và nước mắt của ngày Tết Nhà giáo

20/11/2018 - 16:55

 - Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), các thầy, cô hạnh phúc trong nhiều lời chúc, hoa và quà của học sinh, phụ huynh và của toàn xã hội. Họ được trân trọng, quý mến, tôn vinh vì đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp “trồng người”. Thế nhưng, vẫn có thầy, cô không được tận hưởng trọn vẹn niềm vui dịp lễ 20-11.

Chúng tôi theo chân đoàn công tác Thành ủy, UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên đến thăm các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật trên địa bàn nhân kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Có giáo viên đã nghỉ hưu, mang trong mình căn bệnh tai biến, phải chịu cảnh “bán thân bất toại”; hoặc bệnh về ruột, phải phẫu thuật đưa ruột ra ngoài; hoặc hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Có giáo viên đang công tác, giảng dạy, nhưng buộc phải nghỉ để điều trị bệnh tai biến, ung thư, tai nạn giao thông… Họ ngại ra khỏi nhà, ngại gặp người quen, học trò cũ. Phần vì đi đứng bất tiện, phần vì lòng tự trọng của một người thầy. Họ muốn mình luôn chỉn chu, giữ hình tượng đẹp trước mọi người. Vì vậy, họ chẳng có dịp cảm nhận đầy đủ không khí lễ 20-11 ở các trường học, Hội Cựu giáo chức… như những đồng nghiệp khác. Nhưng hơn hết, họ vẫn nhớ rõ mình cũng từng là một người thầy, từng có nhiều dịp 20-11 vui tươi, hạnh phúc!

Nụ cười và nước mắt của ngày Tết Nhà giáo

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Phạm Thành Thái tặng hoa cho thầy Thái Đắc Phong (cựu giáo chức phường Bình Khánh)

Biết đoàn lãnh đạo địa phương sắp đến thăm, người nhà vui mừng thay cho các thầy, cô bộ trang phục tươm tất. Dẫu mang bệnh trong người, nhưng các thầy, cô vẫn cố gắng trò chuyện, chia sẻ cuộc sống của bản thân sau khi rời bục giảng. Họ mỉm cười hạnh phúc khi được nhận giỏ hoa rực rỡ sắc màu, nghe những lời chúc tốt đẹp nhất từ đoàn công tác. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Long Xuyên đã bày tỏ sự tri ân đối với quá trình cống hiến, giảng dạy của các thầy, cô trong thời gian qua. Qua đó, mong các thầy, cô nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, khó khăn trước mắt để sống vui, sống khỏe, là tấm gương mẫu mực cho toàn xã hội noi theo. Thầy Võ Thanh Sơn (67 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục) bị tai biến 8 năm nay, nửa bên người yếu hẳn, đi phải có người đỡ. Trong suốt buổi trò chuyện, thầy luôn nở nụ cười: “Thầy mừng lắm khi được địa phương đến thăm hỏi”.

Đã có rất nhiều nụ cười trong buổi gặp gỡ, nhưng cũng có không ít nước mắt khiến chúng tôi nhói lòng. Thầy Phạm Minh Kha (50 tuổi, ngụ khóm Bình Long 2, phường Mỹ Bình) có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, hiện là Tổ trưởng chuyên môn khối 4, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước khi năm học 2018-2019 bắt đầu, thầy đột nhiên bị xuất huyết não. Được chữa trị tích cực, thầy vượt qua giai đoạn hiểm nghèo nhưng di chứng để lại là tình trạng “bán thân bất toại”, lở loét cơ thể do nằm liệt giường. Hiện nay, thầy đang trong giai đoạn bình phục, tập đi lại, vận động cơ thể, chờ được ráp hộp sọ trở lại. Khách đến nhà, thầy nhận ra người quen, trò chuyện rất vui vẻ, dù phát âm khá khó khăn. Nhận món quà 20-11, thầy bật khóc! Căn bệnh nặng quật ngã thầy khi thầy vẫn còn rất nhiều tâm huyết với nghề giáo, khi đang chuẩn bị chào đón năm học mới, những lứa học sinh mới. Phải thay thế những tiết dạy thành từng phút giây chống chọi với bệnh tật, để nỗ lực tập đi, tập nói, tập sinh hoạt cá nhân… đối với thầy là một nỗi buồn lớn lao. Mấy lời tâm sự của thầy chen lẫn tiếng nấc nghẹn ngào, và sâu trong ánh mắt thầy là niềm khát khao phục hồi sức khỏe, sớm được quay lại với nghề vào ngày gần nhất.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên Phan Thị Yến chia sẻ: “Hoạt động thăm hỏi các giáo viên bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn được chúng tôi duy trì mấy năm nay, được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm. Vào dịp lễ 20-11, việc đến thăm hỏi, tặng quà sẽ là món quà tinh thần, động viên các giáo viên vượt qua khó khăn để tiếp tục nỗ lực hơn trong cuộc sống. Tâm lý của người về hưu là “sợ bị quên”, nên chúng tôi cố gắng đến tận nhà, trò chuyện, chia sẻ ít phút với họ. Đối với những trường hợp giáo viên đương chức nhưng phải nghỉ để điều trị bệnh tật, Phòng Giáo dục và Đào tạo kịp thời thăm hỏi, động viên, tiếp sức cho họ, thể hiện tình cảm gắn bó giữa đồng nghiệp với nhau. Khi các thầy, cô bình phục, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ quay lại mái trường công tác, giảng dạy”.

Ngày 20-11 hàng năm đều được tổ chức như cách biểu thị, duy trì truyền thống "Tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc ta qua nhiều thế hệ. Mọi người trân trọng người thầy đang giảng dạy mình, không quên người thầy về hưu, giáo viên cũ đã từng dạy dỗ mình lúc trước. Một lời chúc chân thành, một buổi đến thăm, một cuộc điện thoại, dòng tin nhắn hỏi han thầy, cô sẽ làm ấm lòng họ, là món quà tinh thần giúp họ vượt qua khó khăn, trống trải của cuộc sống hôm nay!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH