Tăng cường phối hợp cung cấp thông tin ngăn chặn tẩu tán tài sản

10/09/2019 - 07:31

 - Ngày 16-3-2017, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án Dân sự tỉnh ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPH về việc cung cấp thông tin ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự trên địa bàn tỉnh. Sau 2 năm thực hiện, quy chế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các đạo luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và công dân.

Trong thực tế, việc công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (UBND cấp huyện, xã, các tổ chức hành nghề công chứng) gặp rủi ro cao. Một số trường hợp, tài sản đang có tranh chấp, đã bị kê biên hoặc bị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng công chức có thẩm quyền, công chứng viên không biết được điều này, nên vẫn thực hiện chứng nhận. “Thấy được những khó khăn mà các tổ chức, cá nhân gặp phải, với vai trò là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước lĩnh vực này, Sở Tư pháp nhận thấy, cần phải có biện pháp hỗ trợ các cơ quan, tổ chức trong hoạt động và hành nghề, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, việc ký kết Quy chế phối hợp số 01 được thực hiện. Kể từ đó, công tác tổ chức thi hành, kiểm sát thi hành án dân sự mang lại nhiều hiệu quả. Các cơ quan pháp luật, nhất là Cơ quan Thi hành án dân sự 2 cấp trong tỉnh đã kịp thời tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị” – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Khánh Dân cho biết.

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện quy chế phối hợp

Các loại tài sản áp dụng biện pháp ngăn chặn là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản (có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai). Sau 2 năm thực hiện quy chế, Sở Tư pháp đã tiếp nhận văn bản từ các cơ quan phối hợp, cung cấp 758 văn bản ngăn chặn cho các cơ quan, tổ chức có chức năng chứng nhận hợp đồng, giao dịch. Tòa án 2 cấp ban hành 3 bản án kèm theo việc áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản, 4 quyết định kê biên khẩn cấp tạm thời. Ngành kiểm sát 2 cấp ban hành 24 kiến nghị trong công tác thi hành án dân sự để đảm bảo việc thi hành kịp thời các bản án, quyết định của tòa án. Ngành thi hành án đã ban hành 408 quyết định trong lĩnh vực thi hành án và các thủ tục thi hành án, đảm bảo đúng pháp luật. Việc cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan, tổ chức có chức năng chứng nhận hợp đồng, giao dịch góp phần thuận lợi trong hoạt động hành nghề, tránh trường hợp đương sự tẩu tán tài sản; được cơ quan, tổ chức có liên quan hoan nghênh, đồng thuận, thống nhất cao.

Một trong những việc làm thường xuyên của cơ quan thi hành án là hoạt động cưỡng chế thi hành án khi đương sự không tự nguyện thi hành. Việc cung cấp thông tin ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc dân sự là hết sức quan trọng. Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nguyễn Huy Thanh thông tin: “Thời gian qua, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã có 819 văn bản ngăn chặn cho các cơ quan chức năng, trong đó bao gồm biện pháp bảo đảm thi hành án, như: phong tỏa tài khoản, tài sản; tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Bên cạnh đó là các biện pháp cưỡng chế thi hành án, như: khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản, kể cả tài sản do người thứ 3 đang giữ; khai thác tài sản của người phải thi hành án… Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, chấp hành viên trong thực hiện quy chế, xem đây là một trong những tiêu chí xét thi đua của cá nhân, đơn vị; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan, đơn vị”.

Khó khăn, vướng mắc hiện nay là việc thực hiện quy chế đôi lúc chưa được tốt. Mỗi ngành, mỗi cơ quan có những chức năng, nhiệm vụ riêng nên các thông tin ngăn chặn chưa được tập trung về một đầu mối, chưa được kiểm chứng. Sự phối hợp giữa các ngành có lúc chưa nhịp nhàng, thống nhất, nên hiệu quả chưa cao. Theo Sở Tư pháp, cần bổ sung cơ quan Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai vào thành phần trong quy chế để phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời về tài sản và tình trạng tài sản. Cần ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện quy chế, như: cung cấp các văn bản ngăn chặn của cơ quan chức năng cho Sở Tư pháp bằng 2 hình thức song song (văn bản qua đường bưu điện, hộp thư điện tử), nhằm rút ngắn thời gian Sở Tư pháp cung cấp văn bản ngăn chặn cho các cơ quan, tổ chức liên quan. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối, sẽ tăng cường trách nhiệm, chủ động nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện quy chế, chủ trì tổ chức họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG