Thanh toán không có bảo lãnh của ngân hàng, rủi ro khó lường

24/07/2018 - 07:28

 - Thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã gặp rủi ro khi tiến hành ký kết hợp đồng mua, bán nhưng không có sự bảo lãnh của ngân hàng (NH). Trường hợp mua, bán giữa Công ty TNHH Hòa Thuận Bình Long (HTBL) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agritek là một điển hình.

Bất tín

Công ty TNHH HTBL là đơn vị chuyên cung cấp bột cá tra, tọa lạc tại Khu Công nghiệp Bình Long (Châu Phú) do ông Nguyễn Văn Dũng làm Giám đốc. Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agritek, tọa lạc tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An) do ông Trần Văn Hoài làm Giám đốc (thời điểm năm 2016), nay ông Hoài đã nghỉ, ông Cao Tuấn Nam làm đại diện. Ngày 9-8-2016, 2 công ty này có ký kết với nhau hợp đồng số 01/2016. HTBL - Agritek mua, bán bột cá tra.

Theo hợp đồng, trong thời gian 20 ngày (kể từ ngày nhận hàng) bên mua phải thanh toán toàn bộ số tiền cho bên bán. Trong trường hợp bên bán đã giao hàng xong nhưng bên mua không thanh toán đúng số tiền theo cam kết, bên mua phải chịu lãi suất trả chậm, được quy định tại NH Vietcombank (ở cùng thời điểm). Mặc dù cam kết là vậy, nhưng khi nhận hàng xong, lẽ ra ngày 6-9-2016, bên mua phải tiến hành thanh toán cho bên bán thì bên mua im lặng.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc, phải dùng nhiều hình thức đòi nợ đối với ông Cao Tuấn Nam (người đại diện bên mua hàng), bởi lúc ký hợp đồng, chúng tôi luôn tin tưởng vào uy tín của ông Nam và công ty do anh làm đại diện, vì vậy trong quá trình soạn thảo hợp đồng, chúng tôi không chọn hình thức có NH (bên thứ 3) đứng ra đảm bảo cho giao dịch này. Nào ngờ, lợi dụng hình thức thanh toán không có bảo lãnh của NH, bên mua hàng đã “bội tín”.

Chúng tôi phải gọi điện nhiều lần, đi tìm ông Nam ở nhiều nơi, đến ngày 22-9-2017 mới thu hồi được số tiền 200 triệu đồng và ngày 25-5-2018, ông Nam trả tiếp 300 triệu đồng. Còn lại số tiền 479.373.917 đồng, ông Nam đến nay vẫn chưa thanh toán…”- ông Trần Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH HTBL, bức xúc.     

Thanh toán không có bảo lãnh của ngân hàng, rủi ro khó lường

Hợp đồng mua, bán giữa 2 bên          

Giải pháp

“Trong trường hợp này, 2 bên chỉ lấy uy tín để đảm bảo cho giao dịch, thiếu chế định về mặt pháp luật, đó là sự đảm bảo trong thanh toán. Nếu có 1 tổ chức trung gian là NH đứng ra để đảm bảo thanh toán cho 2 bên thì rất hay. Hiện, đa phần các doanh nghiệp ít quan tâm yêu tố này. Không đưa ràng buộc này vào các hợp đồng kinh tế, kinh doanh thương mại, điều này dẫn đến hệ lụy khi xảy ra tranh chấp thì phải đưa nhau ra tòa; khi đã có phán quyết của tòa án hoặc tổ chức giải quyết về tranh chấp thương mại thì gần như là quyền lợi của các bên không được đảm bảo. Vì vậy, khi ký hợp đồng mua, bán, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này” - Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư An Giang, khuyến cáo.

Đại diện Công ty Agritek, ông Cao Tuấn Nam đã thừa nhận, 2 bên có mua bán bột cá tra và bên ông cũng đã chấp nhận hình thức trả thêm lãi nếu thanh toán chậm. Tuy thời hạn thanh toán có trễ (so với hợp đồng ký kết) nhưng ông đã chuyển trả một phần tiền cho Công ty TNHH HTBL, việc này đã thể hiện thiện chí trả nợ của bên mua.

Thanh toán không có bảo lãnh của ngân hàng, rủi ro khó lường

Sản xuất hàng để bán cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agritek

Qua sự việc này cho thấy, trong mua, bán, làm ăn, nếu doanh nghiệp chỉ vựa vào “chữ tín” để ký kết hợp đồng mua, bán mà không có chế định của pháp luật thì rủi ro rất cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tổ chức, cá nhân đưa nhau ra tòa án ngày một nhiều, làm cho vụ việc thêm kéo dài và phức tạp. Thanh toán có sự bảo lãnh của NH là một hình thức an toàn nhất cho cả bên bán lẫn bên mua, nếu có 1 trong 2 bên “bội tín”. Lúc đó, NH sẽ đứng ra thanh toán cho bên được hưởng quyền lợi.

“Tất cả các giao dịch, nếu chọn hình thức thanh toán có sự bảo lãnh của NH thì quá tốt nhưng trong thực tế, nếu 1 trong 2 bên có tính toán trước, muốn “bội tín” thì họ không chọn hình thức có bảo lãnh của NH. Qua nhiều thương vụ làm ăn, nếu không muốn đối tác của mình nảy sinh lòng tham, chúng tôi luôn chọn hình thức thanh toán có bảo lãnh của ngân hàng”- ông Trần Văn Sinh, Giám đốc Công ty Chế biến lương thực Trần Sinh (Chợ Mới) chia sẻ.

“Theo tôi, việc ký kết hợp đồng mua, bán giữa các tổ chức hay cá nhân với nhau, nên có đảm bảo bằng việc bảo lãnh của NH, việc này sẽ đảm bảo được 2 yếu tố quan trọng, thứ nhất là an toàn khi giao dịch (chọn hình thức chuyển khoản chứ không ôm tiền mặt đi đường, rất nguy hiểm); thứ hai, khi giao dịch có sự đảm bảo của NH sẽ đảm bảo được quyền lợi cho cả 2 bên. Nếu xảy ra trường hợp có 1 trong các bên có vi phạm hợp thì NH sẽ đứng ra thanh toán số tiền này cho bên kia, như vậy sẽ rất an toàn chứ không gặp phải tình trạng rất khó đòi tiền như trường hợp của công ty TNHH HTBL” - Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư An Giang, chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích