“Chuyển đổi” để “tăng thu”

12/01/2022 - 05:22

 - Thời gian qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nhiều nông dân xã Phú Thuận, Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Nhờ vậy, họ nhanh chóng quay vòng đất sản xuất, thu lại lợi nhuận ổn định, góp phần nâng cao đời sống vùng nông thôn.

Ruộng dưa leo hộ ông Huỳnh Văn Hiền

Có thể nói, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau màu không phải chuyện mới mẻ. Nhưng mới ở đây là cách lựa chọn loại rau màu và tư duy của nông dân. Họ ý thức hơn vấn đề đáp ứng nhu cầu sản phẩm đa dạng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Với mong muốn tạo nên nông sản giảm tối thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhiều nông dân xã Phú Thuận tìm đến các loại rau màu sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh (như: Bầu, bí, dưa leo) để chuyển đổi. Trong đó, phải kể đến hộ nông dân Huỳnh Văn Hiền (ngụ ấp Kênh Đào, xã Phú Thuận).

Vốn cần cù, chịu khó và ham học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, được giới thiệu giống dưa leo mới dễ trồng, dễ tiêu thụ, ông Hiền quyết định chuyển 2.000m2 đất để trồng dưa leo. Chia sẻ cách làm của mình, ông Hiền cho biết: “Trước kia tôi trồng lúa, nhưng diện tích quá ít, xung quanh đất là vườn, thường xuyên bị chuột cắn phá, năng suất thấp. Có vụ tính ra thua lỗ, tôi nung nấu ý định chuyển đổi từ lâu. Qua học hỏi hộ gia đình đã trồng hiệu quả, tôi chọn trồng dưa leo Vivi 07. Giống cây này hội đủ ưu điểm, như: Cây sinh trưởng khỏe, thời gian cho trái ngắn, ít sâu bệnh; tiết kiệm được giống, năng suất thu hoạch rất cao, sản lượng từ 4-4,5 tấn/công/vụ. Sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp, tôi thu lợi nhuận từ 17-20 triệu đồng”.

Cùng tâm lý phấn khởi như ông Hiền, anh Phạm Thành Trung (nông dân ấp Tây Bình, xã Vĩnh Chánh) cho biết: “Tôi có 2 công ruộng trồng lúa, lợi nhuận mang lại không đáng kể. Được chính quyền địa phương, hợp tác xã (HTX) giới thiệu giống dưa leo mới năng suất cao, giá bán cao, tôi mừng lắm. Giống dưa leo Vivi 07 ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, dưa leo cho trái sai, hơn 1 tháng có thể thu hoạch, dài hơn 2 tháng 10 ngày là dứt điểm. Sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp, tôi thu lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng”.

Ngoài việc chọn lựa được giống cây trồng hiệu quả, điều mà anh Trung thích nhất chính là thời điểm chuẩn bị thu hoạch, tổ hợp tác rau màu địa phương kết nối với thương lái thu mua tận ruộng cho nông dân. Giá cả không dao động mạnh như thị trường bên ngoài, nhưng bù lại luôn ổn định, nhất là trong những ngày ảnh hưởng dịch bệnh. Nông dân không phải lo đầu ra hay chịu lỗ vốn, bán đổ bán tháo.

HTX mà anh Trung nhắc đến là HTX nông nghiệp Tây Bình. Đánh giá về hiệu quả bước đầu của đơn vị này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chánh Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Trồng màu trước hết giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhiều hơn so với trồng lúa. Bình quân mỗi hộ trồng màu cần thuê từ 5-7 lao động, từ lúc bỏ hạt, vô phân đến thu hoạch. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, xã Vĩnh Chánh sẽ tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường liên kết với đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất bền vững. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập huấn nông dân; khuyến khích nông dân tham gia vào HTX sản xuất rau sạch, nhằm cung ứng ra thị trường nông sản chất lượng, an toàn, mang tính bền vững. Đây là cách giúp tăng thu nhập hơn nữa cho bà con nông dân”.

Còn tại xã Phú Thuận, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển năm mới, địa phương tiếp tục đặt mục tiêu chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nâng tổng diện tích màu lên 97ha, tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với đó là củng cố tổ hợp tác, HTX rau màu, cây ăn trái và tăng cường liên kết với các đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất bền vững.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG