An Giang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

02/11/2020 - 17:31

 - 10 tháng của năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của An Giang đạt cao hơn cùng kỳ 2019 và cao hơn so bình quân cả nước. Tỉnh đang tập trung quyết liệt các giải pháp nhằm giải ngân đạt kế hoạch năm 2020, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đẩy nhanh tiến độ

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Võ Chí Trung cho biết, năm 2020, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh (bao gồm kế hoạch vốn năm 2018, 2019 chuyển sang) được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 5.568,4 tỷ đồng, còn HĐND tỉnh giao gần 6.053,9 tỷ đồng (cao hơn Thủ tướng Chính phủ giao 485,44 tỷ đồng, gồm nguồn tăng thu xổ số kiến thiết năm 2019 là 331,44 tỷ đồng, dự toán tăng năm 2020 là 90 tỷ đồng và nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh 64 tỷ đồng).

Nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, sự nỗ lực của các chủ đầu tư, nhà thầu, đến hết tháng 9-2020, toàn tỉnh giải ngân được gần 3.645,8 tỷ đồng, đạt 65,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 60,22% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Ông Trung cho biết, so tháng 8, tỷ lệ giải ngân trong tháng 9 tăng 10,03% theo kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 9,22% theo kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao, tăng gần 558,6 tỷ đồng về giá trị tuyệt đối. So cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ giải ngân 9 tháng của năm 2020 cao hơn 11,71% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,82% theo kế hoạch HĐND tỉnh giao, cao hơn gần 1.039 tỷ đồng về giá trị tuyệt đối.

10 tháng của năm 2020, ước giá trị giải ngân đạt khoảng 4.161,7 tỷ đồng, đạt 74,74% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 68,75% theo kế hoạch HĐND tỉnh giao. So với tháng 9, tỷ lệ giải ngân tháng 10 cao hơn 9,27%. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, tổng số kế hoạch vốn năm 2018, 2019 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31-12-2020 là hơn 743,1 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9-2020, giải ngân được 499,16 tỷ đồng, đạt 67,17%. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, tiến độ giải ngân các kế hoạch vốn này hiện nay còn chậm.

Trong đó có một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp như: dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Long Xuyên (giải ngân 322 triệu đồng/12 tỷ đồng); dự án bố trí ổn định dân cư di dân tự do, biên giới khu vực lộ 20 xã An Nông, Tịnh Biên (vốn đầu tư 15 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân được); kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn từ cầu Cần Xây - Nhà máy thủy sản Giang Long (vốn đầu tư 6,97 tỷ đồng, chưa giải ngân được)… Ước tính 10 tháng của năm 2020, giá trị giải ngân được khoảng 580,89 tỷ đồng (đạt 78,17% kế hoạch). Ước đến ngày 31-12-2020, giá trị giải ngân được khoảng 691,1 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch.

Tăng cường trách nhiệm

Đối với tổng số kế hoạch vốn của riêng năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ giao gần 4.825,3 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao gần 5.310,74 tỷ đồng. Đến hết tháng 9-2020, giải ngân được hơn 3.146,6 tỷ đồng, đạt 65,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 59,25% HĐND tỉnh giao. Ước 10 tháng, giá trị giải ngân được khoảng 3.580,6 tỷ đồng, đạt 74,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 67,43% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước đến ngày 31-1-2021, giá trị giải ngân được khoảng 4.885,88 tỷ đồng, đạt 101,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 92% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Võ Chí Trung cho rằng, mặc dù tỷ lệ giải ngân 10 tháng của năm 2020 đạt tương đối khá nhưng nhìn chung, việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn còn nhiều khó khăn. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (BQLDA), nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động theo dõi, đôn đốc quyết liệt việc thực hiện và giải ngân các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở KH&ĐT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp, như: yêu cầu các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ giải ngân bình quân chung của tỉnh, đặc biệt là dưới 40% cần tự rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện của từng dự án, từ đó kịp thời đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Các chủ đầu tư, BQLDA phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công xây dựng công trình theo hợp đồng đã ký kết. Đối với các dự án đã hoàn thành, cần đẩy nhanh công tác thanh - quyết toán, không để dồn cuối năm.

Đối với các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, cần tập trung hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh - quyết toán vốn cho nhà thầu. Đối với các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, cần tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu. Đối với các dự án khởi công mới, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định.

“Các chủ đầu tư, BQLDA, nhà thầu thi công cần chủ động phối hợp các ngành, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý” - ông Trung đề nghị.

Ước đến ngày 31-1-2021, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh được khoảng 5.579 tỷ đồng, đạt 100,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 92,12% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

 

NGÔ CHUẨN