An Giang: Đột phá từ nông nghiệp

07/01/2021 - 04:21

Giai đoạn 2021-2025, nông nghiệp vẫn được xác định là nền tảng, là bệ đỡ phát triển kinh tế của An Giang. Để phát huy vai trò quan trọng này, ngành nông nghiệp phải tập trung tái cơ cấu, đổi mới tăng trưởng theo chiều sâu. Nỗ lực cho giai đoạn mới bắt đầu ngay từ năm 2021.

Hợp tác xã Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) phát huy hiệu quả trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhiều kỳ vọng

Năm 2020, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nông nghiệp An Giang đã chứng minh được vai trò nền tảng quan trọng. Khi các lĩnh vực thương mại, dịch vụ gặp khó thì toàn tỉnh đã tập trung bảo vệ sản xuất lúa. Nhờ vậy, cả 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông 2020, nông dân “trúng mùa, trúng giá”, tận dụng được cơ hội giá lúa, gạo tăng cao khi nhiều nước tăng nhu cầu mua lương thực ứng phó dịch bệnh. Các mặt hàng cây ăn trái, cá tra sau thời gian khó khăn cũng lấy lại được lợi thế.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội mới cũng mở ra cho nông nghiệp An Giang nói riêng, cả nước nói chung khi mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết đã đi vào vận hành, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), mới nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA, chính thức ký kết ngày 29-12-2020)…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường nông sản trên thế giới, nông sản An Giang cần có đột phá trong phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường cao cấp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và tiếp tục tăng trưởng cao.

Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm. An Giang duy trì ổn định sản lượng lúa khoảng 3,7-3,9 triệu tấn/năm nhưng đảm bảo diện tích sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 80%; nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên 50% diện tích ứng dụng có hiệu quả. Ngành nông nghiệp phối hợp mời gọi doanh nghiệp (DN) mới thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, như: lúa, rau màu, cây ăn trái. Mỗi ngành hàng có ít nhất 2 DN mới tham gia liên kết gắn với tiêu chuẩn của DN.

Phát triển bền vững

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong lĩnh vực chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò toàn tỉnh đạt khoảng 95.000 con, trong đó có 10.000 con bò sữa của Công ty TH True Milk. Đồng thời, hình thành 7 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong chăn nuôi. Đối với thủy sản, phấn đấu đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi thủy sản đạt 2.500ha, số lồng bè 3.870 cái, sản lượng nuôi 680.000 tấn; hình thành 3 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong thủy sản.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu, trong đó cần phát huy vai trò của hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong nông nghiệp. An Giang phấn đấu đến năm 2025, có 261 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong đó, có ít nhất 50% số HTX có tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với DN; ít nhất 18 HTX sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Mỗi huyện đều có HTX tham gia Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục vận động và khuyến khích nông dân tham gia HTX.

Đây sẽ là đại diện nông dân tham gia xây dựng “Cánh đồng lớn” đạt tiêu chuẩn chất lượng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với DN... Tỉnh phấn đấu có ít nhất 2 mô hình điểm là nơi tham quan học tập về việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để đạt các mục tiêu lớn trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. An Giang tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các DN ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực phát triển các sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Từ đó, hình thành một số DN nông nghiệp giữ vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Tỉnh sẽ hỗ trợ các DN, địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, tập trung 3 nhóm sản phẩm là gạo - nếp, thủy sản và cây ăn trái, gắn với thực hiện chương trình OCOP…

NGÔ CHUẨN

Thời gian tới, An Giang sẽ tập trung đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi hiện có, phát triển hệ thống thủy lợi vùng cao, hệ thống thủy lợi có tính chất phục vụ liên vùng. Trong đó, hoàn chỉnh dự án kiểm soát lũ vùng Nam Vàm Nao; dự án hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên; dự án thủy lợi vùng cao (đầu tư các hồ chứa nước vùng cao, trạm bơm điện vùng cao); xây dựng hồ trữ lũ vùng đồng bằng. Đồng thời, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiết kiệm nước, kiên cố hóa kênh mương…