An Giang hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

26/06/2020 - 05:28

 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 2,8%/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững…

Thay đổi tư duy nông nghiệp

Trong 2 ngày 25 và 26-6, Đảng bộ Sở NN&PTNT tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là dịp đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành NN&PTNT nhiệm kỳ 2015-2020, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nền nông nghiệp An Giang trong nhiệm kỳ mới.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, 5 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp An Giang vẫn đạt được nhiều chỉ tiêu nghị quyết; có tổng số 18/21 chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2015-2020 thực hiện đạt và vượt. Sở NN&PTNT An Giang  triển khai có hiệu quả Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm lấy thị trường làm mục tiêu định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông, thủy sản.

Cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh chuyển dịch, giảm dần diện tích trồng lúa, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên..

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã hoàn thành 8 quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khoảng 100 mô hình, dự án ứng dụng đổi mới công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), được triển khai theo hướng thực chất, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống đê bao, thủy lợi, trạm bơm điện, giao thông thủy lợi nội đồng..., góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hoàn thành trước 1 năm lộ trình kế hoạch mà Tỉnh ủy đề ra.

Cùng với nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, An Giang thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 128 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động và tổ chức theo Luật HTX 2012 (tăng 33 HTX so năm 2015), thu hút 12.083 thành viên tham gia, tổng diện tích HTX tham gia phục vụ hơn 43.000ha… Nhiệm kỳ qua, nguồn nhân lực nông nghiệp được quan tâm đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Hướng đến chất lượng, hiệu quả

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, giai đoạn 2020-2025, nền nông nghiệp An Giang nói riêng, cả nước nói chung sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, việc hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)… có hiệu lực. Do vậy, cần có đột phá trong phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường cao cấp quốc tế để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chiều sâu.

Nhiệm kỳ mới, với chủ đề “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo để phát triển nông nghiệp bền vững”, Đảng bộ Sở NN&PTNT An Giang tập trung bám sát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ NN&PTNT nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý, huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nông nghiệp.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở NN&PTNT lần thứ X đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 2,8%/năm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%; có thêm ít nhất 28 xã đạt chuẩn NTM và 30-35 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, có thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. 5 năm tới, ngành NN&PTNT cố gắng duy trì tỷ lệ che phủ của rừng và cây phân tán ổn định 22,4%; trên 80% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận, ổn định sản lượng lúa khoảng 3,7-3,9 triệu tấn/năm.

Về chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò đạt khoảng 95.000 con (trong đó có 10.000 con bò sữa của Tập đoàn TH True Milk); hình thành 7 mô hình trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong chăn nuôi.

Về thủy sản, phấn đấu đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi thủy sản đạt 2.500ha, số lồng bè 3.870 cái, sản lượng nuôi 680.000 tấn; hình thành 3 mô hình trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong thủy sản. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh phấn đấu có 70 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có 261 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả…

Đảng bộ Sở NN&PTNT An Giang hiện có 13 chi bộ, 1 đảng bộ bộ phận trực thuộc với tổng số 268 đảng viên. Trong đó có 47 thạc sĩ, 202 đại học, 19 cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Về trình độ lý luận chính trị: 27 cao cấp và cử nhân; 105 trung cấp và 136 sơ cấp.

NGÔ CHUẨN