An Giang phát triển kinh tế từ rau màu

25/10/2022 - 07:15

 - Từ lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả để phát triển rau màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, như: Cải bẹ xanh, cà chua, dưa leo, hành lá, ớt, ngò, gừng, củ cải trắng, hẹ... góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nông hộ.

Thu nhập ổn định

Đa số các loại rau màu thường có thời gian trồng ngắn nên nông dân có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm, nhờ vậy có điều kiện nâng cao thu nhập, nhất là đối với những hộ dân có ít đất sản xuất. Để nâng cao hiệu quả trồng các loại rau ăn lá trên mỗi công đất, nông dân có thể chia nhỏ diện tích trồng, xuống giống cách ngày nhằm có sản phẩm thu hoạch liên tục, thu nhập thường xuyên. Với cách làm này, mỗi công đất trồng rau ăn lá, nông dân có thể thu được hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Đang canh tác 10 công đất trồng rau màu các loại, ông Nguyễn Quốc Khanh (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) cho biết: “Nếu so sánh với các loại cây trồng khác thì rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trồng màu vất vả việc chăm sóc nhưng hiệu quả ở vòng quay đất từ 5-8 vụ/năm, thu hoạch liên tục. Dù giá cả có biến động theo thị trường nhưng trồng rau màu vẫn có lời”. Cũng trồng màu như ông Khanh, chị Nguyễn Thị Diệu Thiện (xã Bình Long, huyện Châu Phú) chia sẻ: “Mỗi năm, với 6 công đất trồng rau màu, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi còn lời 120 triệu đồng để lo cuộc sống gia đình và chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Ươm giống rau màu cung ứng cho việc sản xuất rau màu của nông dân

Ông Huỳnh Thanh Bình (Tổ trưởng Tổ sản xuất rau màu an toàn phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) cho biết, hiện Tổ sản xuất rau màu an toàn phường Vĩnh Mỹ có 95 thành viên tham gia, với 120 lao động, tổng diện tích sản xuất 14,3ha, chuyên trồng các loại rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị. Trung bình mỗi lao động trong tổ có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm, góp phần ổn định kinh tế gia đình.

Riêng ông Bình cũng đang canh tác 8 công đất trồng rau màu các loại, chủ yếu là rau ăn lá, như: Ngò rí, cải thìa, cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau muống, rau dền… được luân canh tùy theo thời vụ. “Trung bình mỗi năm, tôi trồng được 7 vụ rau ăn lá các loại, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi vụ tôi còn lời khoảng 5 triệu đồng/công. Với diện tích hiện tại, trung bình mỗi năm thu nhập của tôi khoảng 280 triệu đồng” - ông Bình chia sẻ.

Bên cạnh việc sản xuất rau thương phẩm, nhiều nông dân trong tỉnh còn chủ động ươm các giống rau màu vừa sử dụng cho việc canh tác của gia đình, vừa cung cấp cho các hộ dân đang có nhu cầu giống, mang lại thu nhập khá. Có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề ươm giống rau màu các loại, ông Nguyễn Văn No (xã Kiến An, huyện Chợ Mới) lựa chọn ươm những giống rau màu đáp ứng nhu cầu của người trồng và bảo đảm về chất lượng cây giống.

Theo ông No, nghề ươm rau giống cần nhiều công chăm sóc và tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường tiêu thụ, lên kế hoạch sản xuất cụ thể để việc sản xuất diễn ra quanh năm, đem lại lợi nhuận cao hơn. Mùa nào rau nấy, ông chọn những loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt để ươm trồng trên mảnh ruộng của mình. Ông No chia sẻ: “Hiện nay, trung bình mỗi ngày tôi xuất bán khoảng 30.000 cây giống rau màu các loại phù hợp theo từng thời vụ của người trồng rau màu trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ tất cả chi phí, tôi còn lời khoảng 30-40% trên tổng số tiền bán cây giống”.

Phát triển vùng chuyên canh

Để phát huy tiềm năng cây rau màu, tỉnh đã quan tâm và xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh, xúc tiến tiêu thụ rau màu và rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh đến năm 2025, với quy mô khoảng 6.062ha, gồm: Rau ăn lá (1.487ha), rau ăn quả (1.365ha), rau ăn củ (445ha), bắp các loại (2.185ha), đậu phộng (200ha) và khoai cao (380ha). Trong đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 2.965ha. Nâng diện tích rau màu, rau màu công nghệ cao chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đến năm 2025 là 1.628ha; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 1.344ha; diện tích được chứng nhận GlobalGAP 350ha.

Tỉnh còn có kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị chủ lực vùng sản xuất chuyên canh. Phấn đấu đến năm 2025, củng cố 16 tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX); thành lập mới 4 THT và 4 HTX chuyên sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm rau màu theo tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các THT, HTX củng cố và thành lập mới đều được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “AN GIANG” cho sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao.

Xây dựng 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (hoặc dự án) cho rau màu, rau màu công nghệ cao, với quy mô liên kết đạt 775ha; tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng; giá bán và giá trị sản xuất của nông dân trồng rau màu trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung tăng tối thiểu từ 20% so với sản xuất ngoài vùng chuyên canh tại thời điểm năm 2021; thu nhập rau màu công nghệ cao tăng tối thiểu 40%.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, THT đầu tư vào chế biến, bảo quản rau màu thông qua việc thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau màu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước, chuyển đổi dần sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Campuchia, Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng, như: Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc...

Thúc đẩy phát triển ngành chế biến rau màu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 hiệu quả, an toàn, bền vững và đáp ứng khả năng cung ứng trong sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt 2,8%. Nâng cao vị thế ngành hàng rau màu tỉnh An Giang một cách bền vững, hiệu quả, có đủ sức cạnh tranh và tăng thu nhập cho người nông dân.

TRỌNG TÍN