An Giang phát triển thương hiệu gạo

07/06/2022 - 01:02

 - Hàng năm, sản lượng gạo chế biến của An Giang đạt gần 2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 500.000 tấn. Tuy nhiên, vấn đề đồng bộ về tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, lượng gạo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được đóng túi có thương hiệu còn ít. Quy mô diện tích trồng lúa, năng suất canh tác của tỉnh gần như đã tiệm cận với các điều kiện phát triển. Vì vậy, vấn đề thương hiệu, chất lượng được xem là công cụ đột phá mới nhằm tăng giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới.

Trong bối cảnh chung, xuất khẩu gạo chịu sự chi phối bởi động thái của nhiều quốc gia, nhiều chính sách kiểm soát nhập khẩu, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước viễn cảnh trên, ngành hàng xuất khẩu gạo An Giang muốn duy trì, phát triển thì phải canh tác, sản xuất, chế biến và cung ứng ra thị trường những sản phẩm gạo an toàn, chất lượng, có thương hiệu.

Trước vấn đề bức thiết đó, UBND tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Giai đoạn 1 (từ năm 2022-2025): Lựa chọn một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo điển hình tham gia đề án. Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030), mở rộng các DN tham gia.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, mục tiêu có được nhãn hiệu, thương hiệu gạo An Giang, đẩy mạnh tiêu thụ gạo thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gạo trên thị trường, nâng cao giá trị hạt gạo, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tỉnh An Giang và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và DN. Phấn đấu đến năm 2025, gạo thương hiệu An Giang tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 5.000 tấn; năm 2030 đạt 10.000 tấn. Gạo An Giang có mặt tại các hệ thống phân phối hiện đại, như: Co.opmart, Vinmart, Big C, Auchan, Bách Hóa Xanh... kênh phân phối truyền thống tại các chợ, đại lý, cửa hàng; kênh Horeca (Cung ứng gạo qua kênh bếp ăn chuỗi nhà hàng, khách sạn) tại các thành phố lớn. Xuất khẩu tập trung vào các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines...

Đến năm 2025, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt tỷ lệ khoảng 10% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh; lượng xuất khẩu đạt từ 45.000-50.000 tấn. Năm 2030, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt khoảng 100.000 tấn và trở thành thương hiệu gạo quốc gia.

Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất gạo chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Tỉnh sẽ phát triển theo hướng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường; lấy DN và nông dân làm trọng tâm. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, tạo ra các chính sách đòn bẩy thúc đẩy DN, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển; tập trung mời gọi, thu hút đầu tư. Lấy ứng dụng khoa học - công nghệ làm khâu đột phá để nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo. Sản xuất lúa gắn với bảo vệ môi trường. Tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa có liên kết sản xuất 25-28%, tương tương khoảng 160.000 - 179.000ha; lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa đạt từ 30%.

 Để thực hiện hiệu quả, tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể trên cơ sở 4 chương trình: Giống, canh tác, chế biến và quảng bá, xúc tiến thương mại. UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu lai tạo, sàng lọc, tuyển chọn các giống lúa năng suất, chất lượng. Xây dựng bộ tiêu chí chất lượng sàn cần đạt cho thương hiệu gạo An Giang; xây dựng các quy trình canh tác đáp ứng yêu cầu của từng giống và theo điều kiện canh tác của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các vùng nguyên liệu. Tổ chức lại sản xuất, tạo mạng lưới sản xuất giống từ nguyên chủng đến giống xác nhận gắn với DN sản xuất, tiêu thụ; quy hoạch vùng trồng giống lúa phục vụ xây dựng thương hiệu.

Sở Công Thương xây dựng quy trình chế biến gạo đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước, quốc tế. Chú trọng công nghệ sau thu hoạch, silo bảo quản và logistics đồng ruộng. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại thương hiệu gạo An Giang. Tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống phân phối, bếp ăn, nhà hàng. Đồng thời hình thành các gói quà tặng về đặc sản lúa gạo mang thương hiệu An Giang; tổ chức các cuộc thi nấu ăn để quảng bá.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, hiệu quả mang lại của đề án giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen từ mua gạo không thương hiệu sang mua gạo có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về an toàn sức khỏe, xây dựng lòng tự hào khi sử dụng sản phẩm gạo thương hiệu Việt. Phát triển ngành hàng gạo theo hướng bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Về mặt kinh tế, đề án tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành lúa gạo của tỉnh, định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo An Giang, Việt Nam; nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Năm 2020, An Giang xuất khẩu gạo 499.070 tấn, kim ngạch trên 270 triệu USD, thị trường xuất khẩu 68 quốc gia của 5 châu lục. Năm 2021, xuất khẩu gạo 518.000 tấn, kim ngạch 281 triệu USD. Tỉnh có 21 DN được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường, hệ thống phân phối các nước. Trong đó, thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.

 

HẠNH CHÂU