Tăng cường liên kết
Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang giao nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp, kết nối DN, xây dựng liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương, tình hình liên kết sản xuất trên địa bàn An Giang ngày càng tăng và hiệu quả.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Hinh cho biết, năm 2022, các DN thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp đạt 123.089ha (đông xuân 34.800ha, hè thu 46.453ha, thu đông 41.745ha). Đối với rau màu, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua 5 DN và các chợ đầu mối, siêu thị (Co.op mart, Bách Hóa Xanh, Winmart, Mega Market Long Xuyên), thương lái, diện tích 16.664ha. Với cây ăn trái, năm 2022 có 10 DN và chợ đầu mối, siêu thị, thương lái thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ, tổng diện tích 3.238,8ha, gồm: 587,8ha xoài, còn lại là chuối, nhãn, sầu riêng, mít, cây có múi.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đẩy mạnh liên kết nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt với các trang trại trên địa bàn An Giang. Năm 2022, sản lượng các trại liên kết xuất chuồng đạt 23.250 con heo, 894.000 con gà và 225.000 con vịt.
Đối với thủy sản, diện tích nuôi liên kết với DN, cung cấp cơ sở làm khô và bán nội địa đạt 1.120,96ha, trong đó cá tra là 1.094,48ha (diện tích hộ nuôi liên kết với 9 DN là 210ha, diện tích vùng nuôi của DN là 884,48ha); lươn thương phẩm 20,12ha, lươn giống 0,94ha; ếch 2ha; cá lóc 3,42ha.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, người dân ấp Trung An (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) liên kết trồng cây chúc (Citrus hystrix) với DN, số lượng ban đầu 600 cây, tương đương 1ha. Còn với nấm ăn và nấm dược liệu, diện tích trồng nấm rơm toàn tỉnh khoảng 280ha (trồng ngoài trời và trong nhà), sản lượng được thương lái bao tiêu; nấm bào ngư trồng khoảng 1,55 triệu phôi/năm (chủ lực là nấm bào ngư xám), được tiêu thụ qua thương lái địa phương và nông dân bán tại các chợ.
Tháo gỡ khó khăn
Ông Nguyễn Văn Hinh cho biết, việc liên kết sản xuất thời gian qua trên địa bàn An Giang tuy có nhiều thuận lợi, diện tích liên kết tăng, nhưng cũng tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, vẫn còn nhiều nông dân chưa thật sự quan tâm, mong muốn kết nối DN; còn phía DN cũng chưa có sự chủ động trong việc mời gọi, kết nối với các tổ chức nông dân thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng, ổn định lâu dài cũng chưa tương xứng với yêu cầu của thị trường và tiềm năng của tỉnh.
Trên cơ sở mời gọi, kết nối DN của tỉnh, diện tích liên kết năm 2023 trên địa bàn An Giang tiếp tục tăng. Đối với lúa, nếp, khoảng 30 DN có kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ, diện tích 399.150ha, gấp 3 lần năm 2022. Trong đó, vụ đông xuân 2022-2023 là 147.350ha, vụ hè thu 2023 là 145.540ha, vụ thu đông 2023 là 106.260ha. Với rau màu, năm 2023, có 8 DN lớn có kế hoạch liên kết và tiêu thụ, diện tích 9.670ha (đông xuân 4.140ha, hè thu 2.765ha, thu đông 2.765ha).
Năm 2023, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 19.545ha, trong đó có 13.597ha đang cho trái, nhiều nhất là xoài 10.647ha, ước sản lượng 225.645 tấn; chuối, nhãn, mít, sầu riêng và cây có múi 2.950ha, sản lượng khoảng 40.412 tấn. Đến nay, có 10 DN xây dựng kế hoạch liên kết và tiêu thụ, diện tích 2.230ha xoài và sầu riêng; diện tích cây ăn trái còn lại được hầu hết các vựa, thương lái thu gom và cung cấp trực tiếp lại cho DN theo hình thức cam kết. Trái cây An Giang còn được cung cấp cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, dự kiến số lượng vật nuôi xuất chuồng tại các trại chăn nuôi có hợp đồng liên kết sản xuất với DN tăng khá. Trong đó, gia súc lớn (trâu, bò) khoảng 1.500 con; gia súc nhỏ (thỏ, dê, heo...) 20.100 con; gia cầm 1,5 triệu con. Với cá tra, diện tích liên kết năm 2023 khoảng 1.200ha, sản lượng của các chuỗi liên kết 380.000 tấn. Với các đối tượng thủy sản khác, diện tích liên kết nuôi lươn thương phẩm 22ha, lươn giống 2ha; ếch 2,5ha; cá lóc 4ha.
Trong liên kết lĩnh vực lâm nghiệp, dự kiến trồng 600 cây chúc (Citrus hystrix), 5.000 cây xạ đen (Celastrus hindsii) hoặc một số loài dược liệu khác (chanh dây, ngải, gừng) trong năm 2023. Đối với nấm rơm, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thu gom rơm rạ trồng nấm, hỗ trợ thành lập HTX chuyên sản xuất nấm rơm, nâng cấp các thương lái tại địa phương thành các cơ sở, DN, từ đó hình thành các HTX liên kết sản xuất nấm. Còn với nấm bào ngư, tiếp tục mời gọi, tìm kiếm DN tiêu thụ các sản phẩm nấm bào ngư theo hình thức liên kết chuỗi sản phẩm.
An Giang tiếp tục hỗ trợ DN hình thành các HTX kiểu mới, có sự tham gia và đồng hành của DN tại các địa phương có nền tảng tốt về liên kết và tiêu thụ sản phẩm, trong đó DN hỗ trợ nhân sự chất lượng cao, vốn và kỹ thuật sản xuất. Đồng thời, lựa chọn một số HTX hoạt động hiệu quả, có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi với DN, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các HTX điểm tổ chức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. |
NGÔ CHUẨN