Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: “Để có cơ sở tham gia trả tín chỉ carbon trong năm 2024, xây dựng kế hoạch chi tiết cho diện tích 150.000ha lúa chất lượng cao, chúng tôi đã tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp với các địa phương, đánh giá tình hình, lựa chọn tiểu vùng tham gia đề án. Trên cơ sở đó, đơn vị tham mưu UBND tỉnh đăng ký với Bộ NN&PTNT, để tham gia đề án một cách hiệu quả nhất”.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, trên cơ sở thảo luận diện tích tham gia đề án trong vụ đông xuân 2023 - 2024, hè thu và thu đông 2024, đại diện phòng kinh tế, phòng NN&PTNT cấp huyện thống nhất tổng diện tích tham gia cho cả 3 vụ sản xuất hơn 144.000ha. Cùng với đó, thống nhất đăng ký tham gia đề án đạt 103.668ha đến năm 2025, đạt 152.985ha đến năm 2030.
“Trước khi đề án được Chính phủ phê duyệt, An Giang tổ chức thí điểm 10.000ha trong vụ thu đông 2023 tại các tiểu vùng được đầu tư tương đối về hạ tầng sản xuất, nông dân đáp ứng cơ bản tiêu chí đề án, có liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Chúng tôi yêu cầu nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (“3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”) trong sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 90% diện tích canh tác lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, 47% diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm”. Đây là cơ sở để chúng tôi hướng đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu khi tham gia đề án” - ông Nguyễn Sĩ Lâm cho hay.
Trong vụ đông xuân 2023 - 2024, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lộc Phát 1 (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) là một trong những đơn vị tiên phong tham gia đề án, với tổng diện tích diện tích hơn 1.000ha. Ông Đặng Thái Hiện (Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1) cho biết: “Đây là vụ lúa đầu tiên chúng tôi tham gia vào đề án, giúp xã viên chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận. Nông dân còn được tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất, được hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Mục tiêu này rất quan trọng để chúng tôi an tâm tham gia đề án, bởi đầu ra là bài toán khó giải nhất cho nông dân trong quá trình làm ra hạt lúa cung cấp cho thị trường”.
Ông Đặng Thái Hiện cũng thông tin thêm, năm 2024, HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1 phối hợp triển khai liên kết sản xuất với Lộc Trời, cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa tươi 100% cho xã viên. HTX cũng thực hiện dịch vụ phun thuốc bằng drone (máy bay không người lái) cho thành viên và nông dân, diện tích khoảng 600ha. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn xã viên thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, giúp quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, thực hiện tốt các yêu cầu, tiêu chí khi tham gia thực hiện Đề án trong mục tiêu chung của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 29 HTX tham gia thực hiện đề án, số lượng dự kiến tham gia liên kết đến năm 2025 là 100 HTX, năm 2026 là 150 HTX, từ năm 2027 tiếp tục mở rộng số lượng HTX và đạt mức 200 HTX vào năm 2030. “Điểm thuận lợi của tỉnh là diện tích sản xuất lúa rất lớn, nông dân An Giang hầu hết hình thành được tập quán sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất, cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng giống. Cùng với đó, sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết cũng là lợi thế của tỉnh trong triển khai đề án” - ông Nguyễn Sĩ Lâm phân tích.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đến khảo sát điều kiện thực hiện đề án tại An Giang
Tuy nhiên, tỉnh cũng đối mặt với một số khó khăn trong thực hiện đề án, như: Tập quán sản xuất của nông dân còn lạc hậu, nên một số tiêu chí của đề án rất khó thực hiện, nhất là tiêu chí về lượng giống gieo sạ. Một số hệ thống kênh mương, thủy lợi đã đầu tư thời gian dài, cần được nâng cấp để đảm bảo phục vụ sản xuất. Một số tiêu chí của đề án đòi hỏi phải đầu tư máy móc để thực hiện, trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế…
Sau quá trình khảo sát, đánh giá tiềm năng tham gia đề án của tỉnh An Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự tích cực chuẩn bị của An Giang. “Sở NN&PTNT, các địa phương, nhất là các HTX phải đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân tích cực thực hiện tiêu chí của đề án, trong đó có quy trình “1 phải, 5 giảm”. Quan tâm tập huấn để nông dân thực hiện tốt yêu cầu, tiêu chí của đề án, đảm bảo giảm phát thải carbon, tập trung vào giá trị tăng thêm cho hạt gạo Việt Nam thông qua việc thực hiện đề án. Bên cạnh đó, An Giang cần thông tin vướng mắc, khó khăn, đề xuất giải pháp trong thực hiện đề án, để Bộ NN&PTNT có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu.
THANH TIẾN