An Giang: Tín hiệu vui từ những hồ chứa nước vùng cao

26/03/2024 - 05:57

 - Năm 2024, các công trình hồ chứa nước ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên là hồ Núi Dài 2 (hồ bến Bà Chi, xã Lê Trì) và hồ Cô Tô (cùng thuộc huyện Tri Tôn), hồ Tà Lọt (TX. Tịnh Biên) sẽ hoạt động. Đây là những công trình hết sức ý nghĩa, giúp cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa.

Những ngày này, có dịp đến khu vực bến Bà Chi (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn), dễ dàng nhận thấy sự phấn khởi hiện trên nét mặt của người dân nơi đây. Trong câu chuyện của họ, đề tài về hồ Núi Dài 2 luôn được nhắc đến. Bởi, niềm mong mỏi từ lâu của người dân đã trở thành hiện thực.

Anh Bùi Văn Quí là một trong những người hiểu rõ tầm quan trọng của công trình này. Theo anh Quí, người dân khu vực này chủ yếu làm vườn, trồng các loại cây ăn trái, nhiều nhất là xoài. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước tưới. Để đảm bảo sản xuất, nông dân tự đào hồ chứa quanh nhà, hay làm những hồ tạm bằng bạt ny-lon đặt rải rác khắp vườn. Cùng với đó, nhiều hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước cũng được nhà nông áp dụng để đảm bảo vườn cây luôn đủ nước.

Hồ Núi Dài 2 đảm bảo nước sinh hoạt, tưới tiêu cho bà con nông dân xã Lê Trì 

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi lượng nước từ các hồ như vậy khó có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất. Do đó, tình trạng cây ăn trái mất mùa, chất lượng không đảm bảo thường xuyên xảy ra. “Hiện nay, hồ Núi Dài 2 sắp hoạt động, nên chúng tôi rất phấn khởi. Có được nguồn nước, chúng tôi có thể chủ động được thời vụ sản xuất; phòng ngừa và hạn chế các bệnh trên cây ăn trái, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng” - anh Quí chia sẻ.

Hồ Núi Dài 2 thuộc xã Lê Trì (huyện Tri Tôn) có diện tích hơn 22ha, dung tích khoảng 558.000m3, phục vụ diện tích 250ha. Công trình đã hoàn thành và đang chờ nghiệm thu để đưa vào hoạt động. Cùng với vườn cây ăn trái, nông dân canh tác lúa trong khu vực sẽ có thêm lựa chọn để xuống giống. Trước đây, nông dân trồng lúa chỉ có thể canh tác 2 vụ/năm. Thời gian còn lại, nông dân “treo” ruộng, chờ mưa xuống mới có thể sản xuất tiếp. Giờ đây, khi hồ Núi Dài 2 hoạt động sẽ giải quyết dứt điểm bài toán nước tưới tiêu cho nông dân.

Cùng với đưa vào hoạt động hồ Núi Dài 2, chính quyền địa phương còn quan tâm, vận động xây dựng, nâng cấp tuyến đường từ UBND xã đến khu vực bến Bà Chi. Đường được đổ bê-tông thông thoáng, xe tải có thể vào tận nơi. Nhờ đó, việc vận chuyển hàng hóa của nông dân được thuận lợi. Nông dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế…

Nằm lọt giữa núi Cấm (TX. Tịnh Biên) và núi Dài (huyện Tri Tôn), Tà Lọt được biết đến như thung lũng “thâm sơn, cùng cốc” của xã An Hảo. Phần lớn người dân định cư rải rác theo các triền núi để dễ trồng rẫy, cây ăn trái.

Men theo con đường quanh co dưới chân núi Cấm, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Văn Đấu, một trong những lão nông định cư ở vùng đất này từ rất lâu. Rót ly trà mời khách, ông Đấu cho biết, trước đây khi nhắc đến Tà Lọt, ai cũng nghĩ tới vùng đất nghèo khó, khô cằn. Đường sá đi lại khó khăn, canh tác nông nghiệp không thuận lợi, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cung, tự cấp; đời sống người dân thiếu thốn trăm bề...

“Ngày trước, người dân sinh sống ở vùng này rất ít, cách vài trăm mét mới có 1 ngôi nhà. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Mùa mưa, cây trồng được tưới mát, phát triển xanh tươi, nhưng đến mùa khô thì “bó tay” vì thiếu nguồn nước tưới. Gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì khoan nước ngầm, tìm nguồn tưới cho cây trồng. Nếu không tìm được nguồn nước, đành chờ đến hết mùa khô” - ông Đấu chia sẻ.

Những năm gần đây, đời sống người dân khu vực Tà Lọt có nhiều thay đổi. Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ đồng bộ của Đảng, Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách, cùng sự quyết tâm vượt khó của người dân, dần tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, công trình hồ chứa nước đang được hoàn thành sẽ tạo điều kiện để nông dân ở đây phát triển sản xuất.

“Vùng này có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là phát triển vườn cây ăn trái. Trước đây, nông dân thiếu nước tưới nên sản xuất khó khăn. Hiện nay, hồ Tà Lọt sắp hoạt động, người dân vô cùng phấn khởi. Cây trồng có nước tưới sẽ cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đời sống người dân nơi đây chắc chắn phát triển hơn” - ông Đấu nói.

Việc xây dựng các hồ trữ nước ngọt nhằm cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa. Qua đó, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho khu vực vùng cao Tịnh Biên và Tri Tôn. Bên cạnh việc trữ nước, cung cấp nước ngọt cho bà con ở địa phương, những hồ chứa nước này hứa hẹn sẽ là một điểm “check-in” thu hút bạn trẻ khi đến huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên trong thời gian tới.

Cùng với 2 công trình trên, năm 2024, ở huyện miền núi Tri Tôn dự kiến sẽ đưa vào hoạt động công trình hồ chứa nước Cô Tô. Công trình với diện tích khoảng 10ha, dung tích nước gần 200.000m3, tổng kinh phí đầu tư trên 457 tỷ đồng.

ĐỨC TOÀN