An Giang xây dựng hệ sinh thái lúa gạo

23/11/2023 - 06:23

 - Trong hệ sinh thái lúa gạo, tất cả các bên tham gia, từ nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ khuyến nông cộng đồng cho đến thương lái, doanh nghiệp (DN) liên kết, DN xuất khẩu, ngân hàng… đều được hưởng lợi và gắn kết chặt chẽ với nhau. Quyền lợi và nghĩa vụ đan xen giúp hệ sinh thái lúa gạo thêm phong phú, đa dạng, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững hơn.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) là DN tiên phong xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” ở An Giang (khi còn mang tên gọi Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang), sau nhân rộng ra nhiều tỉnh ĐBSCL. Trong hành trình 30 năm qua, nhờ kiên trì với sứ mệnh “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời đã nỗ lực trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Không chỉ mở rộng vùng nguyên liệu liên kết “Cánh đồng lớn”, tham gia thành lập nhiều HTX kiểu mới, Lộc Trời còn không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp khi cho ra đời các thành viên chủ chốt, như: Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời (LTI), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (LTS), Lộc Trời - Vật tư nông nghiệp (LTV), Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (LTF), Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA). Những thành viên này đang kết nối chặt chẽ với nhau, cùng phối hợp với các đối tác, nông dân, HTX, tạo nên chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nỗ lực xây dựng hệ sinh thái lúa gạo

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện tại và tương lai, lương thực trở thành sức mạnh mềm, quyền thương lượng và là danh giá, lợi thế quốc gia. Khi Việt Nam đảm bảo được sản lượng gạo ổn định với số lượng lớn, chuyển đổi sản xuất xanh, giảm phát thải, sẽ nắm quyền thương lượng trên thị trường lương thực toàn cầu. Đó là năng lượng, là động lực để hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống, vị thế của bà con nông dân.

“Khi tham vấn cho đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, tôi có nói nếu các tổ chức tài chính quốc tế cho vay 1 tỷ USD, vùng ĐBSCL sẽ đảm bảo cung cấp cho thế giới từ 7 - 8 triệu tấn gạo một cách ổn định theo mùa vụ.

Chúng ta có lợi thế canh tác lúa ngắn ngày, sản xuất gạo được liên tục quanh năm, đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Như vậy, khi chủ động xây dựng hệ sinh thái lúa gạo, trong đó có sự hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các thành tố tham gia, sẽ là giải pháp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường lương thực toàn cầu” - ông Thòn nhấn mạnh.

Những năm tới, Tập đoàn Lộc Trời càng tham gia tích cực vào xây dựng hệ sinh thái lúa gạo, với hàng loạt thỏa thuận hợp tác được ký kết. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận hợp tác về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang, giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời.

Với thỏa thuận này, phần lớn diện tích canh tác lúa của An Giang đều được Tập đoàn Lộc Trời liên kết “Cánh đồng lớn” và cùng các đối tác mở rộng thu mua thêm. Trong diện tích này, có khoảng 65.000ha được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp; có 90 HTX cùng 200 chi hội nông dân nghề nghiệp liên kết với Lộc Trời.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hợp tác với tỉnh An Giang xây dựng hệ sinh thái lúa gạo

Trong khi đó, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (LTF) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở NN&PTNN các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng để triển khai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa trên 300.000ha năm 2024. Đồng thời, ký liên kết sản xuất trực tiếp với các HTX, liên hiệp HTX nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng cao có thể cung ứng 5 triệu tấn lúa/năm.

Đối với Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA), hiện là đơn vị cung ứng gạo lớn nhất Việt Nam, với 10 nhà máy tại khu vực ĐBSCL, đủ năng lực cung cấp trên 2 triệu tấn gạo/năm cùng hơn 1 triệu tấn phụ phẩm, như: Tấm, cám, trấu, trấu viên, tro trấu… cho thị trường trong nước và quốc tế.

Trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái lúa gạo, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời (LTI) ký kết hợp tác nghiên cứu với Viện lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Công ty Cổ phần Giải pháp thời tiết WeatherPlus, cùng xây dựng các quy trình canh tác, ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và Big data (dữ liệu lớn), xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cây trồng và sinh vật gây hại trên lúa cùng các loại cây trồng khác.

Với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (LTS), đã ký kết với Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Mahyco Việt Nam, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các tỉnh và các đối tác khác để hợp tác nhượng quyền, sản xuất, phân phối 60.000 tấn giống lúa, rau màu, cây giống cho nhu cầu trong nước và khu vực Đông Nam Á năm 2024.

Trong khi đó, ngành vật tư nông nghiệp Lộc Trời (LTV) cam kết cung ứng đầy đủ các sản phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng cho hệ thống phân phối trên 3.000 đại lý khắp cả nước; cung ứng trực tiếp 250.000 giải pháp Lộc Trời T1H vào vùng nguyên liệu liên kết sản xuất mà LTF đã ký kết với các tỉnh, các HTX, liên minh HTX và nông dân.

Trong hệ sinh thái lúa gạo, các ngân hàng đóng vai trò quan trọng, tiếp vốn vào các thành phần tham gia, từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu theo quy trình tín dụng khép kín, cấp vốn và thu hồi vốn qua tài khoản.

NGÔ CHUẨN