Bảo vệ tốt nhất vụ đông xuân 2023 - 2024

30/11/2023 - 06:11

 - Với đặc điểm sản xuất trong mùa khô hạn, thời tiết thay đổi, nhiệt độ ngày, đêm chênh lệch lớn, vụ lúa đông xuân dễ bị một số dịch hại, sâu bệnh tấn công. Chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn, nông dân được khuyến cáo thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm dịch hại để chủ động phòng chống, bảo vệ vụ sản xuất quan trọng nhất năm.

Thường xuyên thăm đồng, bảo vệ sản xuất

Tăng cường trách nhiệm

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc phòng, chống các dịch hại trên lúa và trên các cây trồng khác trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm là Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Duy là Phó Trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo UBND 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Nguyễn Văn Hiền đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc; cùng sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT, lãnh đạo các Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế thành phố, thị xã.

Ngay sau khi kiện toàn, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng rà soát, kiện toàn nhân sự Ban Chỉ huy Phòng, chống dịch hại ở địa phương (cấp huyện và cấp xã) nhằm đảm bảo cho hoạt động phòng, chống dịch hại xuyên suốt. Trước mắt là đảm bảo tổ chức sản xuất, quản lý dịch hại trên cây trồng đạt được hiệu quả, kịp thời bảo vệ năng suất cây trồng vụ đông xuân 2023 - 2024 và cả năm 2024. Ban Chỉ đạo đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo củng cố các tổ khuyến nông cộng đồng ở xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức thăm đồng thường xuyên, hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại kịp thời; lồng ghép tổ chức liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Ban Chỉ huy Phòng, chống dịch hại cấp huyện chỉ đạo, phân công thành lập các đoàn công tác tăng cường thăm đồng, nắm diễn biến tình hình dịch hại trên cây trồng và hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả từ nay đến cuối vụ thu đông 2023; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và cả vụ đông xuân 2023 - 2024.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền, thông tin về dự báo tình hình hại trên cây trồng, chỉ đạo xuống giống lúa, nếp né rầy đúng theo khung lịch khuyến cáo cho vụ đông xuân 2023 - 2024 (theo Kế hoạch 103/KHSNNPTNT, ngày 23/10/2023 của Sở NN&PTNT), bắt đầu từ ngày 1/11 đến 31/12/2023. Lịch xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy đợt 1 đã kết thúc (từ ngày 10/11 - 20/11), các địa phương vận động nông dân xuống giống né rầy đợt 2 (từ ngày 10/12 - 20/12/2023).

Phối hợp kiểm tra

Để chủ động bảo vệ vụ đông xuân 2023 - 2024, Sở NN&PTNT An Gianh đã có Quyết định 881/QĐ-SNNPTNT, ngày 3/11/2023 về thành lập đoàn công tác phòng, chống các dịch hại trên lúa và trên các cây trồng khác. Đoàn công tác sẽ phối hơp Ban Chỉ huy Phòng, chống dịch hại ở địa phương tổ chức thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng để nắm diễn biến tình hình dịch hại, đề xuất các giải pháp quản lý, phòng trừ dịch hại kịp thời, có hiệu quả, bảo vệ năng suất, sản lượng cây trồng trên địa bàn tỉnh; báo cáo cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các tình huống bất thường để xử lý kịp thời. 

Đoàn công tác tỉnh sẽ phối hợp tổ chức các đợt thăm đồng định kỳ 1 - 2 lần/tháng, từ nay đến cuối vụ thu đông 2023; dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và vụ đông xuân 2023 - 2024. Kết hợp với thăm đồng là tuyên truyền, tập huấn, khuyến nông, hướng dẫn nông dân phát hiện, xử lý, phòng trừ kịp thời và có hiệu quả đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn và các dịch hại khác trên cây lúa. Đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương đôn đốc, kiểm tra tiến độ thu hoạch, tiến độ xuống giống; vận động nông dân xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong công tác tổ chức sản xuất và phòng trừ dịch hại.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Văn Hiền lưu ý, bà con nông dân khi sử dụng thuốc BVTV phòng trừ dịch hại, cần đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”, gồm: Đúng thuốc để phòng trị dịch hại tận gốc và hạn chế phun lại nhiều lần; đúng lúc, đúng thời điểm để phòng trị kịp thời; đúng liều lượng, nồng độ thuốc để gia tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí; đúng cách để tăng hiệu quả sử dụng thuốc phòng trị dịch hại.

“Nên sử dụng thêm chất bám dính khi pha thuốc, hạn chế thuốc bị rửa trôi khi gặp mưa; phải tuân thủ thời gian cách ly thuốc ghi trên bao bì sản phẩm. Đối với rầy nâu, không nên phun ngừa, chỉ phun rầy nâu khi mật số hơn 3 con/dảnh lúa, phun khi rầy nâu 2 - 3 ngày tuổi. Đối với chuột, chỉ sử dụng thuốc bả mồi được phép sản xuất và lưu hành tại Việt Nam, tuyệt đối không sử dụng xuyệt điện. Đối với lúa trổ, chú ý phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt đúng lúc và theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm” - ông Hiền thông tin.

NGÔ CHUẨN