Bệ đỡ vững chắc từ nông nghiệp

08/12/2023 - 07:12

 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,34% mà An Giang đạt được năm 2023 có đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng “vượt qua chính mình” khi đạt mức tăng trưởng 4,43% (các năm trước thường không quá 3%), chiếm tỷ trọng 34,22% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp quyết tâm bứt phá những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Diện tích xuống giống lúa tăng khá nhiều so năm 2022, đồng thời mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao. Đối với rau màu, diện tích gieo trồng tăng và luân canh hợp lý, thay đổi chủng loại cây màu phù hợp với thị trường. Trong khi đó, chăn nuôi và thủy sản ổn định, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và cao điểm các dịp lễ, Tết.

Ước cả năm 2023, toàn tỉnh thu hoạch gần 4,06 triệu tấn lúa, tăng 2,94% so năm 2022; năng suất bình quân cả năm đạt 6,62 tấn/ha. Một số địa phương chuyển sang trồng nếp và các giống lúa chất lượng cao, như: Đài Thơm, lúa Nhật, Nàng Hoa, Jasmines... thay cho lúa thường. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều thuận lợi, giá lúa, nếp đều ở mức cao, năng suất tăng, nông dân “được mùa, trúng giá” nên rất phấn khởi. Đối với hoa màu, sản lượng thu hoạch cả năm 2023 ước đạt gần 625.000 tấn, tăng 4,14% so năm 2022; năng suất thu hoạch tại các địa phương duy trì ổn định, bình quân khoảng 22 tấn/ha, tăng 10,07%. Một số loại hoa màu có năng suất tăng, như: Khoai lang, đậu nành, đậu phộng…

An Giang quan tâm phát triển nông nghiệp

Trong khi đó, tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, có tăng trưởng nhẹ so năm 2022. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Hình thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh ngày càng phổ biến, nên quy mô đàn tiếp tục tăng. Ước tính, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 2023 khoảng 39.000 tấn, bằng 104,78% năm 2022 (tăng 1.800 tấn). Trong đó, sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng khoảng 7.000 tấn, giảm 1,07%; heo hơi xuất chuồng khoảng 18.300 tấn, tăng 6,9%; thịt gia cầm khoảng 13.200 tấn, tăng 4,97%; trứng gia cầm khoảng 429 triệu quả, tăng 7,74% so năm 2022.

Ngành kiểm lâm tập trung công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng và gieo ươm chuẩn bị cây giống lâm nghiệp để triển khai trồng theo kế hoạch. Dự kiến cả năm 2023, thực hiện trồng mới rừng tập trung 70ha, tương đương cùng kỳ; cây phân tán trồng mới 1,75 triệu cây, tăng 3,36% (tăng 57.000 cây). Ước sản lượng gỗ khai thác trong năm khoảng 36.700m3, tăng 7,94% (tăng 3.700m3) và 272.000 ster củi, tăng 1,11% (tăng 3.000 ster củi).

Đối với ngành hàng cá tra, tuy xuất khẩu có gặp khó khăn nhưng đang có tín hiệu phục hồi. Hầu hết diện tích nuôi cá tra ở An Giang hiện nay đều thuộc các vùng nuôi của doanh nghiệp. Với chu trình sản xuất khép kín, ứng dụng tiến bộ công nghệ, giúp doanh nghiệp tiết giảm tối đa giá thành nuôi để có lợi nhuận. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi thủy sản đang chuyển hướng sang nuôi các loài cá nước ngọt, thủy sản có nhu cầu tiêu thụ nội địa tốt và xuất khẩu mạnh sang Campuchia theo đường tiểu ngạch. Từ đó, diện tích nuôi và thu hoạch tăng. Ước tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (bao gồm sản lượng lồng bè) cả năm 2023 đạt gần 656.000 tấn, bằng 106,67% năm 2022 (tăng gần 41.000 tấn).

Năm 2024, UBND tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng từ 7,5 - 8,5%, nhằm bù đắp cho giai đoạn tăng trưởng chậm do ảnh hưởng dịch COVID-19. Để đóng góp vào quyết tâm này, lĩnh vực nông nghiệp với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, cũng nỗ lực bứt phá. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, ngành sẽ tiếp tục phối hợp triển khai tốt Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường phổ biến các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Với việc Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, An Giang sẽ tham gia tích cực, xem đây là cơ hội giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình. Đồng thời, tăng diện tích sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, nâng cao vai trò của HTX. Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ngành triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh về phối hợp phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2023 - 2025; thỏa thuận hợp tác 4 bên về xây dựng vùng nguyên liệu lúa bền vững, có sự tham gia tích cực của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời…

NGÔ CHUẨN