Bộ GD-ĐT: Giáo dục mầm non chưa được ưu tiên, xem xét đầu tư đúng mức

04/04/2024 - 19:48

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định thực trạng phát triển giáo dục mầm non hiện nay chưa tương xứng với vị trí, vai trò của bậc học đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người.

Học sinh Trường Mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Khẳng định giáo dục mầm non thời gian qua tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại, bất cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất những giải pháp để đổi mới, phát triển bậc học này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gần 300.000 trẻ 3-5 tuổi chưa được đến trường

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện cả nước, có gần 15.500 trường mầm non ở các loại hình và gần 16.000 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,1%. Toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Các chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ con em công nhân... đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều hạn chế. Chương trình giáo dục mầm non chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ chưa đồng đều, đặc biệt ở đối tượng trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống ở vùng khó khăn, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ mới đạt 32,1%; trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi mới đạt 93,1%. Hiện có khoảng gần 300.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ trong khi hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế, đặc biệt phải gửi ở những nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ - nơi đội ngũ người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phần lớn chưa đảm bảo trình độ, năng lực chuyên môn nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ khá lớn.

Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở bậc mầm non, toàn quốc hiện còn khoảng trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn. Số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%. Thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi. Tỷ lệ nhóm/lớp mầm non đáp ứng đủ thiết bị dạy học ở vùng khó khăn chỉ đạt 48%. Nhiều nơi thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn.

Niềm vui của học sinh mầm non huyện Hàm Yên, Tuyên Quang khi được xây nhà vệ sinh mới năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều và chất lượng chưa bảo đảm. Cả nước hiện thiếu khoảng 50.000 giáo viên mầm non trong khi các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là giáo viên mầm non. Bên cạnh đó là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và nghề giáo viên mầm non càng ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập thấp nhất trong các bậc học nhưng chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại nơi dạy dài nhất, từ 9-12 giờ mỗi ngày.

Bên cạnh đó là các tồn tại khác như khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn khi vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non. Việc đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của trẻ em trong giáo dục mầm non chưa được bảo đảm tại nhiều địa phương theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Trẻ em.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân của tình trạng trên do trong một thời gian dài, kinh tế đất nước khó khăn nên giáo dục mầm non chưa được ưu tiên đầu tư đúng mức. Nhiều đề án giáo dục mầm non thậm chí không bố trí được kinh phí để triển khai. Thực trạng phát triển giáo dục mầm non hiện nay chưa tương xứng với vị trí, vai trò của bậc học đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người, có đối tượng giáo dục là trẻ thơ cần được giáo dục nhất và yêu cầu về chất lượng giáo dục cao nhất.

Cần có giải pháp đột phá

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định với tư tưởng phải dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, cần có những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, cần thay đổi quan điểm đầu tư để giáo dục mầm non có chương trình tốt, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định định hướng chỉ đạo phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tới là khắc phục những hạn chế, khó khăn, từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu "chất lượng, công bằng, hòa nhập.”

Cụ thể, mục tiêu phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 là đổi mới chương trình theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, dựa trên trục tình cảm - xã hội phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng cho trẻ em mầm non thông qua thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Ngành cũng đặt mục tiêu nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhà trẻ và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở giáo dục mầm non; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; coi trọng phát triển giáo dục hoà nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và bổ sung nội dung này vào Luật Giáo dục; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết đổi mới Chương trình giáo dục mầm non mới; phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư; hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non để giáo dục hòa nhập cho trẻ yếu thế.

Bên cạnh đó là việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư và việc huy động, kết nối nguồn lực xã hội; chính sách, cơ chế đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và đối với cơ sở giáo dục mầm non; ưu tiên ngân sách chi cho phát triển giáo dục mầm non…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về ý nghĩa của việc phát triển giáo dục mầm non và tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em giai đoạn đầu đời, đặc biệt “1.000 ngày đầu đời” của trẻ thơ, từ đó tạo đồng thuận và nâng cao nhận thức, hiểu biết về giáo dục mầm non của toàn xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường điều kiện để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non./.

Theo Vietnam+