Cá tra “Bắc tiến”

18/08/2020 - 05:17

 - “Đặc tính của sản phẩm cá tra là vừa rẻ, vừa ngon. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong thịt và mỡ cá tra có nhiều dưỡng chất rất bổ dưỡng cho người già và trẻ em. Cá tra chế biến được rất nhiều món ăn ngon, phục vụ từ người lao động đến giới trung và thượng lưu, vì vậy chúng tôi quyết tâm đưa sản phẩm này ra phục vụ người tiêu dùng phía Bắc…” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Ngon, bổ, rẻ

Hiện nay, khi giá thịt heo ở mức từ 150.000-235.000 đồng/kg, khả năng người tiêu dùng chuyển sang ăn cá tra là rất lớn. Bởi, giá 1kg sườn cọng (non) có thể mua được 7kg cá tra. Như vậy, sử dụng cá tra làm thực phẩm vừa có lợi cho sức khỏe, vừa chống được bệnh tim mạch. Các chuyên gia còn đưa ra khuyến cáo, mỗi tuần nên ăn 2-3 bữa cá để giúp cơ thể hấp thu đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đạm trong cá thường dễ tiêu hóa, nhanh hấp thu hơn thịt các loại động vật. Ngoài cá hồi, cá thu, cá mè... (có nhiều giá trị dinh dưỡng), cá tra là một trong những loại cá được nuôi phổ biến tại khu vực ĐBSCL có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Cá tra chứa nhiều omega-3 (loại a-xít béo cơ thể con người không thể tự tổng hợp được, mà phải cung cấp từ thức ăn). Omega 3, 6, 9, DHA và EPA, vitamin E... có trong cá tra góp phần giúp sáng mắt, phòng ngừa các bệnh về tim mạch, hỗ trợ phát triển trí não, ngăn chặn lão hóa da... đây là lợi thế vượt trội của một sản phẩm mà tạo hóa đã ban tặng cho ngư dân vùng ĐBSCL. Từ đây, cá tra của doanh nghiệp (DN) sẽ “Bắc tiến” để phục vụ người tiêu dùng thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận cuộc họp

“Lâu nay do công tác truyền thông còn nhiều hạn chế nên người tiêu dùng tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chưa biết nhiều đến sản phẩm cá tra. Tôi vào ĐBSCL lần này, được tháp tùng cùng đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tham quan vùng nuôi, nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Tập đoàn Nam Việt, mới thấy đây là sản phẩm rất an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa sạch lại vừa ngon, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng. Chúng tôi quyết tâm đưa sản phẩm này vào hệ thống phân phối của tập đoàn để phục vụ người tiêu dùng phía Bắc” - Tổng Giám đốc An Việt Group (Hà Nội) Đào Ngọc Nam chia sẻ.

An Việt Group hiện nay đang sở hữu hệ thống cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng tại Hà Nội khá lớn. Ngoài các bếp ăn trong khu công nghiệp, còn có bếp ăn trong các trường học, bệnh viện, quân đội, công an. Đây là lợi thế để An Việt cùng Nam Việt đưa cá tra vào tận nhà bếp của người tiêu dùng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Lợi thế của Mekong

Để cá tra làm một cuộc “Bắc tiến” thành công, các DN chế biến cam kết, chất lượng các sản phẩm chế biến để đưa vào thị trường này phải từ bằng cho đến hơn chất lượng sản phẩm xuất khẩu, điều này thể hiện sự quyết tâm của DN đối với thị trường gần 100 triệu dân của cả nước hiện nay. Nếu thị trường xuất khẩu có Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Hồng Kông, các quốc gia Châu Á thì thị trường trong nước có TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.

Hiện, toàn vùng ĐBSCL đang thả nuôi 1.600ha, sản lượng đạt từ 1,6-1,8 triệu tấn/năm, xuất khẩu đi 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm mang về cho quốc gia trên 2,2 tỷ USD.

“Trong bối cảnh như hiện nay, việc đưa sản phẩm cá tra phát triển ở thị trường nội địa là hướng mở để góp phần giữ được doanh thu cho DN, duy trì sản xuất, bởi thị trường nội địa có gần 100 triệu dân, có trên 200 hệ thống phân phối sản phẩm cá tra trên toàn quốc, vì vậy khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các DN cần tổ chức sự kiện tại Hà Nội và các thành phố lớn, trong đó có trưng bày, giới thiệu quy trình nuôi, chế biến, thị trường xuất khẩu; tổ chức cho những người tham gia sự kiện dùng thử sản phẩm để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến với người tiêu dùng ở thị trường nội địa” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định.

Từ lâu, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã trở thành một nghề ổn định tại ĐBSCL. Sản phẩm cá tra trở thành sản phẩm chủ lực của toàn vùng. Nhờ lợi thế của sông Tiền, sông Hậu, với lưu tốc dòng chảy lớn, nhân công lành nghề, người nuôi cá tra đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, từ đó chỉ cần 1,7kg thức ăn thì cho ra 1kg cá tăng trọng (thời gian nuôi 6 tháng). Ngoài tay nghề, điều kiện phát triển chăn nuôi, ngư dân và DN còn được ngân hàng hỗ trợ vốn để sản xuất, từ đó ngành công nghiệp cá tra đã nhanh chóng phát triển.

Hiện đã có trên 50 sản phẩm giá trị gia tăng được đưa ra thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để phục vụ người tiêu dùng. Hy vọng rồi đây, với chất lượng ngon, giá bán hợp lý, sản phẩm cá tra của Nam Việt và các đơn vị khác sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, góp phần vào việc tiêu thụ sản phẩm cá tra cho ngư dân và DN tại ĐBSCL.

“Để giới thiệu một sản phẩm ngon, đặc sắc của dòng sông Mekong đến người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc, DN chúng tôi rất cần sự tiếp sức của truyền thông, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo in. DN chế biến cá tra tại ĐBSCL rất mong Chính phủ hỗ trợ kinh phí truyền thông để DN mạnh dạn quảng bá các sản phẩm, hình ảnh cá tra giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước” - ông Doãn Tới đề nghị.

MINH HIỂN