Cải tổ hợp tác xã cần giải pháp mạnh mẽ hơn

05/01/2021 - 06:44

 - Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh An Giang có 174 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, với 12.322 thành viên, tăng 68 HTX so cuối năm 2016. Trong đó thành lập mới 84 HTX, giải thể 16 và nâng chất 5 HTX yếu kém.

Nhìn chung, kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp đã có bước phát triển mới, khởi sắc, nội lực và khả năng tổ chức sản xuất được nâng tầm, với doanh thu bình quân 1 HTX là 4,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 270 triệu đồng/HTX/năm. Đó là đánh giá của UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các DN lớn tiềm năng, uy tín, làm ăn lâu dài với nông dân, như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Công ty Xuất khẩu trái cây Chánh Thu và rất nhiều DN lớn đang chuẩn bị liên kết sản xuất và đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, định hướng hình thành các vùng nguyên liệu rộng lớn bằng hình thức liên kết với nông dân gắn với xây dựng HTX kiểu mới sản xuất lúa gạo, nếp, rau màu và cây ăn trái, tiến đến giúp các HTX này xây dựng thương hiệu và có sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, loại hình HTX kiểu mới bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc ổn định chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nông nghiệp bằng việc áp dụng hợp lý các quy trình canh tác tiên tiến với các kỹ thuật, thiết bị hiện đại. Điển hình như tại huyện Tri Tôn, Tập đoàn Tân Long đã xây dựng hệ thống nhà máy chế biến, kho chứa lúa gạo quy mô lớn, tham gia liên kết với HTX kiểu mới trong khu vực để tổ chức sản xuất quy mô lớn”.

Khen thưởng hợp tác xã tiêu biểu trong giai đoạn 2017-2020

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, bên cạnh mặt đạt được, thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế trong chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. Cụ thể là ở một số nơi, chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong công tác quản lý, việc xử lý các HTX ngưng hoạt động lâu ngày còn chậm, công tác quản lý báo cáo tài chính của các HTX thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, HTX vẫn còn những yếu kém nội tại như: khả năng thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ vào làm việc lâu dài tại HTX; hạn chế trong khả năng vay vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, phát triển các dịch vụ mới.

Do vậy, theo ông Trần Anh Thư, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng các HTX nông nghiệp của tỉnh trở thành một trong những trụ cột về tổ chức sản xuất các ngành hàng theo định hướng phát triển của thị trường, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó, tỉnh An Giang cần thành lập mới ít nhất 200 HTX nông nghiệp, trong đó có ít nhất 25% số HTX có tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với DN ổn định, 35% nhân sự quản lý của các HTX có trình độ từ trung cấp trở lên, doanh thu bình quân mỗi HTX nông nghiệp là 5,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 400 triệu đồng/năm. Đối với tổ hợp tác, phát triển mới từ 80 tổ hợp tác/năm và là nguồn chủ yếu để phát triển HTX nông nghiệp.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, cần có sự cải tổ mạnh mẽ các HTX, xây dựng HTX phải mang lại lợi ích thiết thực và khác biệt so sánh cho nông dân, đây là mấu chốt quan trọng để thu hút nông dân tham gia HTX và mục tiêu là kết nạp được đa số nông dân đang sử dụng dịch vụ của HTX trở thành thành viên. Việc này cần sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của hệ thống chính trị, trong đó cấp cơ sở là đặc biệt quan trọng. Cùng với đó là việc phát triển HTX thời gian tới cần xác định là một trong những nội dung trọng tâm tạo nguồn quan trọng tăng thu nhập, nâng cao mức sống của nhân dân vùng nông thôn; xác định con người là yếu tố quan trọng nhất để tăng nội lực phát triển HTX.

Các HTX cần thu hút được cán bộ trẻ, năng động có năng lực và chuyên môn vào làm việc lâu dài. Đồng thời, HTX cần có sự liên kết chặt chẽ với DN trong việc gắn kết sản xuất với tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị ngành hàng, tạo đầu ra ổn định cho thành viên. Các HTX, tổ hợp tác trên từng huyện tiến tới liên huyện để thiết lập mối liên kết ngang để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, đồng bộ và phải định hướng đầu tư điểm, hỗ trợ tập trung cho HTX đủ điều kiện để phát triển thành HTX tổ chức sản xuất, điều hành toàn bộ quá trình sản xuất theo quy trình tiên tiến, được chứng nhận an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

NGỌC GIANG