"Chất người Tôn Đức Thắng”!

13/08/2021 - 07:05

 - Hiến dâng trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hình ảnh trong sáng của tinh thần bất khuất, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.

Chất người ấy thể hiện ở lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Người có chí hướng nghiêng về phía nhân dân lao động, lập nghiệp bằng con đường người thợ, hòa mình vào đời sống của giai cấp công nhân. Đây là bước ngoặt đầu tiên, kết hợp tư tưởng yêu nước với tư tưởng cách mạng, phù hợp với sự phát triển thế giới nội tâm của một người thanh niên có học, có khát vọng làm những việc có ích cho đất nước, dân tộc và nhân dân.

Thời gian bị tù đày trong địa ngục trần gian Côn Đảo là sự thử thách khốc liệt nhất. Bác Tôn đã tỏ rõ nghị lực phi thường, ý chí quật cường của người công nhân, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, làm tất cả mọi việc có lợi cho Đảng, cho cách mạng để giải phóng dân tộc, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và CNXH. Vừa ra tù Côn Đảo, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Bác Tôn chấp hành theo sự điều động của Trung ương ra miền Bắc công tác, vì nước gác tình nhà, một nghĩa cử tuyệt vời và cao cả.

Chất người ấy thể hiện ở sự phấn đấu vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, luôn yêu thương, kính trọng nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Trong ngục tù, bằng đức độ và uy tín của mình, Tôn Đức Thắng đã đoàn kết được anh em tù nhân, lãnh đạo anh em đấu tranh giành thắng lợi ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Trong vai trò lãnh đạo mặt trận, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, trau dồi đạo đức cách mạng để cho “dân yêu, dân tín, dân trọng” nhằm bảo đảm vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Đặt mục tiêu “giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân, hòa bình cho thế giới”, Bác Tôn quy tụ được cả một “rừng cây đại đoàn kết”.

Chất người ấy thể hiện ở một gương mẫu đạo đức cách mạng: nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị. Khi còn ở tuổi thanh niên, Bác Tôn bênh vực những bạn học bị Đốc học người Pháp phạt vô cớ. Trong ngục tù đế quốc, Bác kiên trì giáo dục, giác ngộ, đoàn kết toàn thể tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm, dần dần đã cảm hóa số tù lưu manh. Đối với đấng sinh thành, Bác Tôn là người con hiếu thảo. Đối với gia đình, vợ con, Bác Tôn là người chồng, người cha có trách nhiệm, rất mực thủy chung. Bác sống chí tình, chí nghĩa với đồng chí, bạn bè. Từ tình thương đồng bào, Tôn Đức Thắng vươn đến thương yêu đồng loại và đạt đến chủ nghĩa nhân văn cộng sản cao quý: giải phóng con người.

Ở cương vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng hết lòng hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; vẫn giữ vững những đức tính vốn có của mình, làm nhiều nói ít, ghét sự sang trọng xa hoa. Bác Tôn yêu lao động trí óc và lao động chân tay, lao động trở thành nhu cầu. Những việc tự làm được, Bác không bao giờ muốn phiền hà người khác, ngay cả khi giữ vị trí quyền lực nhà nước cao nhất. Trong lao động, Bác tổ chức, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, luôn tuân thủ kỷ luật lao động và chế độ công tác.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực: tiết kiệm trong tiêu dùng hàng ngày, trong sinh hoạt gia đình, trong công tác; tiết kiệm tài sản của nhân dân làm ra, được nhân dân cung cấp, giao cho quản lý; tiết kiệm của cải đất nước, đồng thời cũng tiết kiệm cho bạn bè quốc tế. Bác sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, không tham quyền, cố vị, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Sự khiêm tốn, giản dị của Bác Tôn đã hàm chứa được cái đẹp, cái trọn vẹn trong đạo đức đời thường.

Chất người ấy còn thấm đẫm trong tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết quốc tế, ở nhiều cương vị khác nhau của Đảng, nhà nước, Bác Tôn đã có những đóng góp lớn lao trong việc xây dựng khối đoàn kết quốc tế, giữ gìn và củng cố hòa bình thế giới. Bác là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới. Hình ảnh Tôn Đức Thắng luôn ở trong tâm tưởng của nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

GS Trần Văn Giàu nhận định: “Cụ Tôn khác với những nhân vật khác ở chỗ, Cụ không có một tác phẩm nào cả, có chăng chỉ là chúng ta ghi lại những điều Cụ nói thôi. Tuy nhiên, theo tôi, có thể nói tác phẩm hay nhất của Cụ chính là cuộc đời của Cụ. Cụ Tôn là một người hành động, một người có lẽ không có ý gì muốn để lại cho đời sau bằng các tác phẩm của mình. Nhưng thực tế Người đã để lại cho đời sau chúng ta rất nhiều “tác phẩm” bằng hành động, bằng việc làm và những lời nói. Đó là những tác phẩm hay hơn nhiều những bài viết”.

GIA KHÁNH