Châu Thành đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

11/05/2020 - 06:40

 - Với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, tiến tới nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm qua, huyện Châu Thành (An Giang) tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay dần diện tích canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang các loại rau màu, cây ăn trái. Từ đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực cho nông nghiệp địa phương bứt phá đi lên, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang các loại rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Đoàn Đức Dịnh cho biết, theo kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành sẽ tiến hành chuyển đổi 1.478ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại rau màu và cây ăn trái.

Đến nay, huyện đã chuyển đổi được 3.319ha (đạt trên 224% chỉ tiêu đề ra). Trong đó, diện tích rau màu đạt 2.972ha, diện tích cây ăn trái đạt 347ha. Hiện nay, nhiều hộ nông dân vẫn đang tiếp tục lên liếp, cải tạo đất để chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác…

Việc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang các loại rau màu, cây ăn trái đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân

Theo ông Đoàn Đức Dịnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại nhiều tín hiệu quả quan. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Tiêu biểu như mô hình trồng đậu nành rau với diện tích 24,5ha của 11 hộ dân xã Vĩnh Thành và Hòa Bình Thạnh. Thời gian chăm sóc 65-70 ngày/vụ và có thể canh tác 3 vụ/năm. Năng suất bình quân đạt từ 10-13 tấn/ha. Với giá bán bình quân trên 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi trên 90 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đậu nành rau, mô hình trồng na (mãng cầu) hoàng hậu cũng được nông dân và các ngành chức năng đánh giá cao. Hiện mô hình đang được triển khai với diện tích 6,5ha tại các xã: Vĩnh Hanh, Tân Phú, Vĩnh Bình, Cần Đăng. Sau 2 năm chăm sóc, đến năm thứ 3, năng suất bình quân đạt khoảng 8 tấn/ha. Giá bán trung bình khoảng 60.000 đồng/kg, nông dân thu lãi khoảng 280 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều mô hình nông nghiệp được các công ty liên kết, bao tiêu sản phẩm nên nông dân an tâm về đầu ra sản phẩm nông nghiệp.

Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Ông Đoàn Đức Dịnh cho biết, thời gian qua, nhờ tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, kiên cố kênh mương, củng cố giao thông nội đồng, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp… đã tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra dễ dàng, thuận lợi.

Địa phương còn triển khai kế hoạch chuyển đổi cụ thể trên từng vùng canh tác phù hợp với quy hoạch, điều kiện canh tác gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó khuyến cáo chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện Châu thành còn thực hiện tốt việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, gắn mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân làm trọng tâm. Từ đó, giảm bớt các khâu trung gian việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân. Bên cạnh đó là công tác tập huấn, đào tạo nghề được quan tâm thực hiện trong thời gian qua đã giúp người dân nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất…

Theo ông Đoàn Đức Dịnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Châu Thành đạt được nhiều thuận lợi còn nhờ sự quan tâm của hệ thống chính trị, sự chung tay hỗ trợ của các ngành chức năng và sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Tuy nhiên, do chi phí chuyển đổi khá lớn, trong khi thời gian chờ thu hoạch dài (từ 3-4 năm); các cơ chế, chính sách tín dụng chưa thu hút được sự tham gia của người dân… nên nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng. Thời gian tới, địa phương mong muốn các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ và kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân, để nông dân an tâm sản xuất.

ĐÌNH ĐỨC