Chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm với doanh nghiệp, người dân

11/02/2022 - 06:39

 - Năm 2021 là năm mà ngành kinh tế An Giang gặp rất nhiều khó khăn. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân bị đình trệ. Song, bằng trách nhiệm của mình, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng cường chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với hệ thống chính trị đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhìn lại những kết quả mà ngành ngân hàng thực hiện trong năm qua, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, năm 2021, với sự tập trung lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực, đồng thuận của các ngành, các cấp, DN và toàn xã hội; đặc biệt là sự đóng góp rất lớn, kịp thời và hiệu quả của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, người dân. Cụ thể, hỗ trợ vốn tín dụng để DN tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, những điểm son mà hệ thống ngân hàng đạt được là tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho các DN, người dân thông qua hoạt động cho vay; giảm lãi suất từ 0,5-1,6%/năm, giảm phí dịch vụ và chi phí tiền vay cho khách hàng cá nhân và DN, đồng thời tăng hạn mức tín dụng cho DN thu mua lúa gạo, cá tra, rau quả và người dân. Tham gia đóng góp Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19, Quỹ An sinh xã hội tỉnh trên 70 tỷ đồng.

Tiếp tục “bơm vốn” vào nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Năm 2021 là năm thứ 2 nền kinh tế cả nước nói chung, An Giang nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trước tình hình đó, các ngân hàng trên địa bàn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc “bơm vốn” vào nền kinh tế để hỗ trợ DN và người dân. Cụ thể, tổng vốn huy động đạt 59.404 tỷ đồng, so cuối năm 2020 tăng 3,5%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm đạt 13,57% (tương đương 91.619 tỷ đồng), đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu dư nợ tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 52.930 tỷ đồng, tăng 15,4% với 113.330 khách hàng còn dư nợ. Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp nhận hồ sơ của 27 DN đề nghị vay vốn; đã giải ngân 23 hồ sơ, số tiền cho vay 10,7 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 3.552 lao động.

Ngay từ đầu năm 2021, ngành ngân hàng của tỉnh chủ động thực hiện giải pháp để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, kịp thời xây dựng, triển khai giải pháp mới trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế của đại dịch. Đến nay, tổng số khách hàng được hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới) là 168.774 lượt. Khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 11.348 cá nhân, hộ gia đình và 134 DN, với dư nợ được cơ cấu là 3.178 tỷ đồng. Khách hàng được giảm lãi vay 85.125 người, tiền lãi được giảm là 144,3 tỷ đồng. Trong đó, số tiền giảm lãi theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 là 33,9 tỷ đồng, với 7.524 cá nhân và 151 DN. Bên cạnh việc giải ngân cho nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng tốt, nên nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ chiếm 1,14%/tổng dư nợ (1.041 tỷ đồng)…

Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, hệ thống ngân hàng An Giang phấn đấu nguồn vốn huy động tăng từ 8-10%; dư nợ cho vay tăng từ 13-14% (điều chỉnh theo tình hình thực tế); kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%/tổng dư nợ. Triển khai kịp thời giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tập trung ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ…

“Chúng tôi sẽ phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ gắn với phương án phục hồi kinh tế của Chính phủ và UBND tỉnh. Tiết giảm chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ việc giảm lãi suất cho vay trên địa bàn từ 0,5-1% trong năm 2022” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN