Chính sách kịp thời động viên người lao động vượt khó

30/09/2021 - 03:47

 - Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Đồng thời, rất nhiều người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng đời sống, việc làm, thu nhập, sức khỏe và sự an toàn. Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có các chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực vào cuộc để động viên, thăm hỏi, tặng quà, chuyển nhu yếu phẩm khẩn cấp đến đoàn viên, NLĐ trên cả nước.

Trao hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch

Tại An Giang, theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, đến ngày 29-9, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ hơn 7,7 tỷ đồng từ gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho đoàn viên, NLĐ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong gói hỗ trợ có 3 chính sách do Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ra quyết định: hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 (Quyết định 2606/QĐ-TLĐ và Quyết định 3022/QĐ-TLĐ); hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch (Quyết định 3040/QĐ-TLĐ); hỗ trợ chăm lo bữa ăn ca cho NLĐ tham gia sản xuất “3 tại chỗ” (Quyết định 3089/QĐ-TLĐ).

Bà Thái Minh Ngọc (Giám đốc Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi thủy sản - Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang) cho biết, đơn vị có tổng cộng 141 NLĐ sản xuất “3 tại chỗ” và đã tổ chức mô hình này một phần khá sớm trước khi có công văn chính thức của UBND tỉnh. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ làm việc, công đoàn cơ sở quan tâm chăm lo con em của họ nhân dịp trung thu, khen thưởng các cháu đạt thành tích học giỏi. Đầu năm học mới, đơn vị hỗ trợ cho NLĐ được trở về nhà từ 1-2 ngày để lo chuyện học tập của con em với điều kiện sau khi trở lại có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới vào làm việc.

Theo bà Ngọc, thời gian qua, ngoài nỗ lực của ban giám đốc, công đoàn cơ sở, đơn vị được LĐLĐ tỉnh quan tâm, tích cực để đồng hành cùng DN. “Do tính chất công việc, chúng tôi chưa cập nhật kịp thời một số văn bản liên quan chính sách hỗ trợ cho DN và NLĐ của UBND tỉnh và các sở, ngành. Cán bộ thuộc các ban chuyên môn của LĐLĐ tỉnh đã thông tin rất kịp thời, hướng dẫn thủ tục để đảm bảo cho anh em tại đơn vị được xét duyệt thụ hưởng. Không kể ngày nghỉ hay bất cứ thời gian nào trong ngày, các anh chị đều tư vấn nhiệt tình. Hiện nay, 100% NLĐ của đơn vị đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt công đoàn tỉnh đã hỗ trợ 2 lần cho NLĐ sản xuất “3 tại chỗ” với tổng số tiền 138 triệu đồng, trực tiếp bổ sung vào bữa ăn ca” - bà Ngọc chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, anh Đỗ Trí Đức (Công ty Cổ phần Bao bì Bình Đức thuộc Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, sự chia sẻ, hỗ trợ của công đoàn trong lúc này đã góp phần động viên cho NLĐ. Tại đơn vị của anh Đức hiện có 169 lao động sản xuất “3 tại chỗ”. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, ngoài trưng dụng cơ sở tại chỗ, công ty thuê thêm khách sạn bố trí chỗ ăn nghỉ cho công nhân theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, khép kín toàn bộ việc tổ chức bữa ăn, vệ sinh nơi ở.

“Hiện nay, NLĐ đã thích nghi với môi trường làm việc khá ổn, ngoài điều kiện cơ bản để ăn, nghỉ ngơi, làm việc, đơn vị còn có chỗ tập luyện thể thao. Tiền ăn của NLĐ bình quân 60.000 đồng/ngày, đảm bảo 3 bữa chính kèm theo nước uống và tăng cường bữa ăn chất lượng hơn vào ngày cuối tuần. Sau khi được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ, mỗi ngày ăn của đoàn viên được cộng thêm 30.000 đồng (nâng lên 90.000đồng/ngày), đảm bảo ngon hơn, chất lượng hơn, anh em thấy rõ sự chăm lo chu đáo từ vật chất đến tinh thần mà an tâm sản xuất” - anh Đức nhận xét.

Sự hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch nhận được phản hồi tích cực và tình cảm của đoàn viên, NLĐ. Đơn cử tại khu điều trị F0 của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, đa số tiếp nhận bệnh nhân điều trị tầng 3, từ tháng 8 đến nay có 12 bác sĩ và 24 điều dưỡng đảm nhận chăm sóc, điều trị đặc biệt. Cường độ làm việc cao và bó buộc trong đồ bảo hộ tạo áp lực về thể trạng lẫn tinh thần cho lực lượng chuyên môn.

Để bù đắp phần nào, các suất ăn của họ được chuẩn bị chu đáo, bồi dưỡng thêm sữa, trái cây và ưu tiên suất hỗ trợ từ công đoàn tỉnh, công đoàn cơ sở. BS Lê Hồ Tiến Phương (Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang) bày tỏ: “Tham gia chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ. Chúng tôi không thấy mình đơn độc và cảm kích khi còn có công đoàn chăm lo, ủng hộ tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ”.

Từ gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tổng cộng 3,1 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 hơn 2,3 tỷ đồng, còn lại hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng đại dịch. Chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng đã được các huyện hoàn tất hỗ trợ vào cuối tháng 9-2021. Chính sách chăm lo bữa ăn ca cho NLĐ tham gia sản xuất "3 tại chỗ" tổng cộng 3,38 tỷ đồng ở 16 DN với 3.395 đoàn viên, NLĐ.

MỸ HẠNH