Chợ Mới sản xuất nông nghiệp bền vững

30/10/2023 - 06:12

 - Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, giúp nông dân thay đổi thói quen canh tác, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ chú trọng sản lượng sang chất lượng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh.

Nông dân trồng sầu riêng kết hợp cho khách tham quan thưởng thức tại vườn, thu nhập cao

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Đoàn Thanh Lộc cho biết: “Qua định hướng của huyện, xã và với sự năng động sáng tạo, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi 1.362,55ha đất lúa sang cây ăn trái và rau màu các loại. Đã hình thành một số vùng chuyên canh có diện tích lớn: Xoài 4.204ha, sầu riêng 101ha; vùng chuyên canh rau màu, vùng lúa chất lượng cao chiếm khoảng 68,74% diện tích sản xuất lúa. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có 721ha xoài, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 80,6ha rau màu; 3,6ha thanh long, rau màu được sử dụng chứng nhận nhãn hiệu ”An Giang”; được cấp 80 mã số vùng trồng trên lúa, màu, cây ăn trái, với diện tích 8.387,94ha”.

Nhiều nông dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng đa canh, đa giá trị. Điển hình như: Mô hình trồng nho, dâu tây, dâu tằm, chôm chôm, trồng sầu riêng gắn với tham quan, giải trí; nuôi ốc, nuôi cá kết hợp trong vườn cây ăn trái; mô hình trồng bắp kết hợp nuôi bò, tận dụng diện tích quanh nhà để nuôi lươn, nuôi ếch.

 Nhiều nông dân ứng dụng hệ thống tưới tự động, xây dựng nhà lưới ươm cây con giống... Qua đó, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện, bình quân diện tích chuyển đổi sang trồng màu tăng gấp 3,76 lần và cây ăn trái tăng gấp 1,57 lần so trồng lúa. Giá trị sản xuất bình quân cây lúa đạt 123,49 triệu đồng/ha, cây màu đạt 464,21 triệu đồng/ha, cây ăn trái đạt 193,44 triệu đồng/ha. Điển hình như Hợp tác xã (HTX) GAP Cù Lao Giêng ra đời từ “Chi hội nông dân ấp” với 30 thành viên, nâng lên thành Hội quán GAP Bình Phước Xuân với 47 thành viên. Với hình thức liên kết tiêu thụ nông sản, HTX GAP Cù Lao Giêng có 35 thành viên, vốn điều lệ 600 triệu đồng, với 243ha sản xuất xoài và 6 tổ liên kết (gần 200ha xoài). “Đến nay, HTX liên kết với Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu xuất sang Hoa Kỳ trên 52 tấn xoài 3 màu VietGAP và xoài hạt lép. Thị trường nội địa tiêu thụ mạnh, chiếm 70% tổng sản lượng xuất bán. Xoài của HTX có mặt tại một số siêu thị, sàn thương mại điện tử Sendo, TikTok... doanh thu tăng hàng năm” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng Nguyễn Minh Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên theo đánh giá của UBND huyện, việc chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng đa canh, đa giá trị chỉ mới đạt kết quả bước đầu, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Mô hình tích hợp đa giá trị, đa cây, đa con trên đơn vị diện tích, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái chưa nhiều. Bà con vẫn còn sản xuất bán thô, chưa thật sự có mô hình chế biến sâu, khai thác hết giá trị gia tăng sản phẩm. Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp; thị trường tiêu thụ khó khăn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn mang tính tự phát, chưa gắn kết với thị trường; kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp dù đã tập trung đầu tư nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu; chưa có doanh nghiệp đầu tư nhà kho sơ chế, bảo quản, thiếu nhà máy chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm...

Để sản xuất nông nghiệp bền vững, đạt được mục tiêu chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị, thời gian tới, huyện Chợ Mới tập trung đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Định hướng người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi từng vùng phù hợp với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro. Tranh thủ nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông, điện phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ thông tin thị trường, chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách trong thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp; nâng chất hợp tác xã; mời gọi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực.

 “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của nông nghiệp bền vững; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và xu thế hội nhập. Cần khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù của địa phương” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Mới Nguyễn Hồng Đức đề nghị.

HẠNH CHÂU