Chủ tịch Quốc hội: Giám sát chung chung thì không có hiệu lực, hiệu quả

23/11/2021 - 19:06

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác giám sát cần cụ thể, sâu sát, chỉ giám sát chung chung thì không có hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 23-11, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, nhìn chung, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát năm 2020 đã cơ bản được các cơ quan triển khai với tinh thần khẩn trương, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, tạo chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vẫn còn những vấn đề cần quan tâm cải tiến như: chưa thống nhất từ kỳ giám sát đến trình tự, cách thức thực hiện cũng như việc xử lý kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; công tác giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với từng văn bản, nhất là văn bản dưới Nghị định còn hạn chế.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ giám sát năm 2021 còn một số tồn tại, hạn chế. Việc nợ đọng văn bản của giai đoạn trước còn kéo dài; vẫn còn tình trạng áp dụng các quy định đã ban hành trước khi luật, nghị quyết có hiệu lực mà không ban hành văn bản mới; vẫn phát hiện một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, bao gồm cả về thẩm quyền ban hành và nội dung văn bản.

Một số nội dung trong quá trình triển khai thi hành phát sinh bất cập, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về quy định giữa các luật có liên quan hoặc chưa phù hợp với quy định mới tại luật có liên quan được ban hành sau khi luật có hiệu lực thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến về các nội dung trong báo cáo giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác giám sát cần cụ thể, sâu sát, chỉ giám sát chung chung thì không có hiệu lực, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát lại quy định cụ thể nhiệm vụ, phân công trách nhiệm trong công tác giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn quy trình giám sát.

Đề xuất với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung nội dung căn cứ kết quả giám sát nêu trên; kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để chỉ đạo khắc phục, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công khai với công luận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải coi giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục và có tính kế thừa giữa các nhiệm kỳ.

Đồng thời, đây là công việc theo quy trình thống nhất, trong quá trình thực hiện phải có đối thoại, làm việc với đối tượng giám sát theo đúng quy định của pháp luật, có xử lý hậu giám sát và giám sát lại. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn bản, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất và hiệu lực, hiệu quả, quy trình giám sát có tính thường xuyên và sự thuận lợi trong phối hợp với Chính phủ.

Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vào tháng 9 hàng năm, trước khi có báo cáo gửi Quốc hội và đại biểu Quốc hội vào tháng 10. Khi chưa có văn bản thống nhất, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vẫn giám sát theo chức năng đã được quy định.

Theo XUÂN TRƯỜNG (VTC News)