Nông nghiệp tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị và công bằng xã hội. Ảnh (tư liệu): TTXVN
Nhân dịp năm mới 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về những kết quả nổi bật trong phong trào nông dân thời gian qua cũng như những định hướng, giải pháp trong thời gian tới nhằm hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Năm 2022, Trung ương Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về quyền lợi của nông dân. Xin ông cho biết kết quả cụ thể trong phong trào nông dân thời gian qua?
Năm 2022, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, điều kiện kinh tế, xã hội đất nước còn không ít khó khăn, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam đã trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đưa công tác Hội và phong trào nông dân tiếp tục đạt được nhiều kết quả, có sức lan toả mạnh mẽ; chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao.
Có thể khẳng định, năm 2022 là năm rất thành công trong công tác Hội và phong trào nông dân Việt Nam. Những hoạt động lớn, nổi bật được thực hiện như: Chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 gắn với Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La; Lễ tôn vinh 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; Hội nghị biểu dương 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022; Chủ trì tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022 với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp"; Hội thi Nhà Nông đua tài toàn quốc lần thứ V (2017 - 2022) gắn với Ngày Hội Tam nông; Lễ tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" lần thứ Tư năm 2022; Hội Nông dân Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Nông dân thế giới; Tham mưu Bộ Chính trị xây dựng Đề án Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thưa ông, những người nông dân thế hệ mới hiện nay khác rất nhiều với những người nông dân trước đây khi ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Ông có thể chia sẻ về điều này và sự hỗ trợ của Hội để thúc đẩy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại?
Nông dân thế hệ mới với tư duy mới đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy, thời gian qua, đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất với quy mô lớn, chuyên nghiệp hoá; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ nông sản; "người nông dân mặc áo cổ cồn" điều hành từ xa, ngồi văn phòng, đi ô tô thăm đồng ruộng... Nhiều mô hình nông dân liên kết trong sản xuất, kinh doanh; không làm đơn lẻ; tạo nên chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Với trách nhiệm của mình, Trung ương Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn vay. Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Có 26.148 Tổ vay vốn với 600.764 thành viên (tỷ lệ nợ quá hạn 0,5%), dư nợ đạt 72.034 tỷ đồng. Với Ngân hàng Chính sách xã hội: Có 52.344 Tổ tiết kiệm vay vốn với 1.956.724 thành viên, dư nợ đạt 74.099 tỷ đồng, chiếm 29,88% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân, nông thôn đã hỗ trợ nông dân hơn 4.037 tỷ đồng; hỗ trợ nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra: hỗ trợ cây, con, giống; phân bón trả chậm; hướng dẫn liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là cấp mã vùng sản xuất và cơ sở đóng gói, chế biến để đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch cho nông dân; hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác; hiện đã có trên 3.500 hợp tác xã; trên 11.200 tổ hợp tác; hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP; VietGAP, VietGAHP...
Hội Nông dân các cấp hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục duy trì, phát huy, phát triển mạnh hơn nữa thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ. Hội Nông dân các cấp tập trung tập hợp, đoàn kết các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, xác định hộ sản xuất kinh doanh giỏi là nòng cốt để tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành những hạt nhân dẫn dắt thực hiện mục tiêu tri thức hoá nông dân, trở thành hạt nhân nòng cốt trong tham gia phát triển kinh tế nông thôn...
Mô hình chi tổ hội nông dân nghề nghiệp là một trong những điểm mới được triển khai tại các cấp hội nông dân thời gian qua sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nông dân Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về hiệu quả của mô hình này và những giải pháp để đổi mới công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới?
Chi Hội Nông dân nghề nghiệp là đơn vị hành động, cầu nối của tổ chức cơ sở Hội với tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và hội viên nông dân, được tổ chức theo thôn, bản, làng, khu phố, hợp tác xã và theo nghề nghiệp. Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là đơn vị dưới chi Hội Nông dân nghề nghiệp. Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tập hợp những hội viên cùng chí hướng, cùng sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm ngày càng có chất lượng theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam vì mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi Hội, tổ Hội trong nhiều năm qua, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh, tăng cường sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội và tính tiên phong của chi hội trưởng, từng bước nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Công tác Hội và phong trào nông dân có bước phát triển mới về cách thức tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân; cán bộ của Hội có sự trưởng thành, có khả năng tham gia sâu hơn vào nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững; hội viên nông dân gắn bó hơn với tổ chức Hội; thu nhập và mức sống của hội viên chi Hội Nông dân nghề nghiệp cao hơn hẳn so với hội viên sinh hoạt ở chi Hội truyền thống. Hiện nay, cả nước có 2.101 chi Hội nông dân nghề nghiệp với 62.673 hội viên; 24.342 tổ Hội nông dân nghề nghiệp với 341.722 hội viên.
Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh xây dựng chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội ở cở sở nhằm nâng cao năng lực cho hội viên nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động sẽ phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sẽ góp phần xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới xuất sắc, tiêu biểu, đổi mới, nâng cao tư duy tự lực, tự thân, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có khả năng dẫn dắt đông đảo hội viên nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam…
Nông nghiệp luôn được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, xin ông cho biết kế hoạch của Trung ương Hội trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp cho người nông dân trong thời gian tới?
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nông nghiệp tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nông dân nước ta đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch để thực hiện hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, tham mưu, nghiên cứu đề xuất để có những hoạt động nâng cao tri thức cho người nông dân; tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; phối hợp, tăng cường quảng bá hình ảnh thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) tại các triển lãm trong nước và quốc tế; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nâng cao hình ảnh của sản phẩm nông sản Việt Nam thông qua các hội trợ triển lãm, lễ hội trong nước và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo TTXVN