Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022

26/11/2021 - 14:23

 - Ngày 26-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký Công văn 1357/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022.

Tăng cường các biện pháp phòng dịch

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 4800/QĐBYT của Bộ Y tế và Kế hoạch 650/KH-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh”; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022; chú trọng phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch, như: Giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội. Chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Tăng cường và bổ sung nhân lực cho các trạm y tế tại các xã, phường, thị trấn khi có số ca mắc COVID-19 tăng cao; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể; tiếp tục thông điệp "5K" và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên bản đồ chung sống an toàn với COVID-19. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện thông điệp “5K”, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

Sở Y tế triển khai quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng. Tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát đánh giá, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời, cấp cứu điều trị người mắc bệnh. Đối với các bệnh dịch có vaccine phòng bệnh, như: sởi, rubella, ho gà…, khẩn trương triển khai tiêm chủng.

Rà soát đối tượng tiêm chủng, bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông kiểm soát chặt chẽ việc khai báo lấy mã số ca bệnh COVID-19 tự động trên Hệ thống mã số ca bệnh quốc gia về dịch COVID-19 tại địa chỉ website https://macabenh.vncdc.gov.vn, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin bệnh nhân bao gồm tiền sử tiêm chủng phòng COVID-19 (tiêm 1 mũi, 2 mũi, chưa tiêm).

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học. Chủ động phối hợp ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học. Phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm. Kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch, thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

Sở Thông tin - Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân. Tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

HẠNH CHÂU