Chuẩn bị tốt vụ thu đông 2020

25/06/2020 - 05:21

Ngoài tuân thủ khung lịch thời vụ theo khuyến cáo, né rầy, né lũ, tỉnh yêu cầu tuyệt đối không xuống giống lúa vụ thu đông 2020 ở những vùng không có đê bao và có đê bao nhưng không chắc chắn. Đồng thời, khuyến cáo nông dân xuống giống lúa theo nhu cầu, tín hiệu của thị trường.

Rút kinh nghiệm năm 2018, không xuống giống ở những vùng đê bao không chắc chắn

Xuống giống từ ngày 15-7 đến 31-8-2020

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 643 tiểu vùng sản xuất, trong đó 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000ha. Vụ thu đông 2020, tỉnh có kế hoạch xuống giống 177.303ha, gồm 161.483ha lúa và 15.820ha rau màu. Với năng suất bình quân khoảng 6,2 tấn/ha, dự kiến sản lượng lúa vụ thu đông có thể đạt hơn 1 triệu tấn.

Căn cứ tình hình khí tượng, thủy văn, diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng và rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu thực hiện xuống giống vụ thu đông 2020 bắt đầu từ ngày 15-7 đến 31-8, chú ý vào 2 đợt xuống giống né rầy.

Trong đó, đợt 1 xuống giống từ ngày 15 đến 22-7 (từ 25-5 đến 2-6 âm lịch), ước diện tích xuống giống né rầy khoảng 40.000ha. Đợt 2 xuống giống từ ngày 7 đến 15-8 (từ 18 đến 26-6 âm lịch), ước xuống giống né rầy khoảng 50.000ha. Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh.

Lưu ý, trên một cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau. Riêng 3 huyện Phú Tân, Tân Châu và Chợ Mới có diện tích xuống giống muộn so với lịch thời vụ, phải kiểm soát và theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để đảm bảo sản xuất an toàn.

Căn cứ số liệu theo dõi về tình hình giá lúa của Sở NN&PTNT, các giống lúa như: OM9577, OM9582, Đài thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18… được doanh nghiệp (DN) thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng trong thời gian qua. Đây cũng là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ thu đông. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ thu đông 2020.

Bên cạnh đó, có thể khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp. Các giống được đề xuất gồm: Lộc Trời 7, OM448, OM418, OM465... Nông dân tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ NN&PTNT công nhận. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica, đề nghị không sản xuất với diện tích lớn khi chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.

Đẩy mạnh liên kết

Do vụ thu đông 2020 xuống giống trong điều kiện thời tiết có mưa nhiều nên sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, dự báo xuất hiện một số sâu, bệnh hại như: rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt… Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”,  “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha), trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe, tăng tính chống chịu tự nhiên như: bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic…

Sở NN&PTNT yêu cầu cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng thường xuyên nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn. Song song đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất trồng lúa đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nằm ngoài lịch khuyến cáo để tránh ảnh hưởng đến vụ đông xuân 2020-2021; tuyệt đối không xuống giống lúa ở những vùng không có đê bao hoặc có đê bao nhưng không chắc chắn.

Theo kế hoạch đăng ký từ các DN, vụ thu đông 2020, có tổng diện tích liên kết tiêu thụ 25.000ha, chiếm 15,48% diện tích dự kiến xuống giống với sự tham gia liên kết của 15 công ty, DN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đề nghị các địa phương tăng cường kết nối thông tin DN, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch. Căn cứ theo lịch xuống giống vụ thu đông, sản lượng lúa, nếp sẽ tập trung thu hoạch cao điểm vào các đợt: đợt 1 từ ngày 15 đến 20-10, thu hoạch khoảng 248.000 tấn; đợt 2 từ ngày 7 đến 15-11-2020, thu hoạch khoảng 310.000 tấn. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 10-2020, sẽ có thu hoạch lúa thu đông liên tục.

“Dựa trên thông tin thương lái thu mua, các địa phương cần chủ động trong việc hỗ trợ tiêu thụ lúa cho nông dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu.

NGÔ CHUẨN

Trong tổng diện tích lúa 161.483ha dự kiến xuống giống vụ thu đông 2020, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Thoại Sơn 37.253ha, Châu Phú 25.554ha, Châu Thành 23.674ha, Tri Tôn 22.673ha, Chợ Mới 12.467ha, Phú Tân 12.441ha. Các địa phương có diện tích xuống giống ít hơn là: Tân Châu 9.300ha, An Phú 5.536ha, Tịnh Biên 5.520ha, Châu Đốc 5.198ha và Long Xuyên 1.867ha.