Chuyển hướng nuôi thủy sản có giá trị cao

04/09/2020 - 07:38

Trong khi giá cá tra bấp bênh thì những loài thủy sản được xem là đặc sản của An Giang như: cá ét, mè hôi, chạch lấu, lươn, cá heo, lăng nha, thát lát cườm (nàng hai)… vẫn có giá bán khá cao. Lợi thế của các loài thủy sản này là diện tích sản xuất không cần lớn, nhu cầu thị trường ổn định nên không lo nhiều về đầu ra.

Nuôi cá đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao

Chấp nhận giá cao

Trên địa bàn TP. Long Xuyên, có nhiều nhà hàng, quán ăn nổi tiếng với các món cá sông. Trong đó, những món như: cá mè hôi hấp cơm cháy, cá mè hôi nướng, cá ét nướng, cá lăng nấu mẻ, cá heo nướng, kho tiêu, chả cá thát lát rút xương… được nhiều thực khách ưa chuộng dù giá bán không hề rẻ. “Hồi trước, những loại cá tự thiên như: cá mè hôi, cá ét ít người ăn bởi khi chế biến thành các món thông dụng như: nấu canh, kho, chiên, cá có mùi vị không ngon. Bây giờ các loại cá này thường chỉ có ở nhà hàng, quán ăn. Muốn ăn cá mè hôi nướng, cá ét nướng với trọng lượng từ 1,2kg/con trở lên, số tiền bỏ ra không dưới 300.000 đồng, có nơi 400.000-500.000 đồng/con” - anh Trần Hữu Nghĩa (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Nếu trước đây, những loài cá đặc sản chủ yếu đánh bắt tự nhiên thì hiện nay, khi nhu cầu tăng cao, nguồn cá tự nhiên ngày càng khan hiếm thì nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi cá đặc sản cung ứng cho thị trường. Các cơ sở ương giống, trung tâm giống cũng nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống thủy sản có giá trị kinh tế cao để cung cấp cho các hộ nuôi. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao ĐBSCL, hợp tác với Tập đoàn Tiran (Israel) sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực độc quyền tại An Giang, cung cấp cho các vệ tinh ương tại các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang... Bên cạnh đó, An Giang còn là tỉnh chuyên sản xuất và cung cấp các loại giống cá lóc, lươn, cá chạch lấu, mè hôi, lăng nha, nàng hai... cho các hộ nuôi trong tỉnh và các tỉnh ĐBSCL.

Trong số các loài thủy sản giá trị cao được người dân nuôi thương phẩm, cá mè hôi vẫn còn rất khiêm tốn dù giá bán rất hấp dẫn. Nguyên nhân do nhiều người nuôi chưa nắm bắt được kỹ thuật, chưa tìm được nguồn cung cấp con giống có chất lượng… Năm 2020, khi triển khai nhiều điểm trình diễn nuôi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã thực hiện mô hình nuôi cá mè hôi trong ao đất. Điểm trình diễn nuôi được thực hiện tại hộ gia đình ông Ngô Bá Tùng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Với diện tích ao 300m2, ông Tùng được cung cấp 600 con giống cá mè hôi (trọng lượng bình quân 40 con/kg), bắt đầu thả nuôi từ tháng 3-2020.

Tín hiệu phấn khởi

Ông Ngô Bá Tùng cho biết, từ khi được Trung tâm Khuyến nông An Giang chuyển con giống nuôi đến nay, cá phát triển tốt, chỉ hao hụt một số con do bị xây xát khi vận chuyển. Theo ông Tùng, nuôi cá mè hôi khá đơn giản, khi cho cá ăn chia làm 2 lần/ngày. Vào ban ngày, cá thường ăn mồi chìm nên phải bỏ thức ăn vào sàn đựng rồi hạ xuống dưới mặt nước, cá sẽ tự động tìm đến ăn. Ban đêm, cá ngoi lên ăn mồi nổi nên chỉ cần rải thức ăn bình thường. Để nguồn nước sạch, không ô nhiễm, ông Tùng thay nước 2-3 lần/tuần, đồng thời bổ sung thêm vitamin C và men tiêu hóa để tăng đề kháng cho cá. Đến nay, sau 5 tháng nuôi, cá phát triển tốt, đạt trọng lượng trung bình 9-10 con/kg. Vừa qua, khi Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên phối hợp địa phương tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá mè hôi trong ao đất và tham quan điểm trình diễn của hộ ông Ngô Bá Tùng, nông dân rất quan tâm, hỏi sâu về cách chọn và mua giống, thời gian thay nước, cách chế biến thức ăn cho cá mè hôi…

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều mô hình nuôi cá đặc sản như: cá ét, cá chạch lấu, lươn, cá mè hôi… Trong đó, nuôi cá mè hôi trong ao đất là mô hình mới nhiều triển vọng. Theo ông Linh, đối với nuôi cá mè hôi, cần chú ý chọn lựa con giống khỏe mạnh, màu sắc sáng đẹp, không bị trầy da, mật độ nuôi phải thông thoáng. Khi cho cá ăn, chú trọng đúng liều lượng, khẩu phần ăn thích hợp cho từng giai đoạn, tránh thức ăn dư thừa sẽ phát sinh bệnh và gây ô nhiễm môi trường nước. Trước khi nuôi, cần chú ý làm sạch đáy ao, bờ ao và diệt tạp thật kỹ (bơm cạn nước, nạo vét bớt bùn, bắt hết cá, lấp hang hốc và khử trùng bằng chlorine). “Cần bón vôi cho ao nuôi nhằm tăng tính hiệu quả khử trùng ao, đồng thời tạo cân bằng độ pH cũng như giúp các chất hữu cơ được phân hủy trong điều kiện tốt nhất” - ông Linh lưu ý.

Cá mè hôi phát triển tốt trong cả ao đất hoặc nuôi bè. An Giang đã có quy trình sinh sản nhân tạo thành công loài cá này nên việc phát triển nuôi thương phẩm không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn giống ngoài tự nhiên.


HOÀNG XUÂN