Củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN

02/11/2019 - 08:46

Sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 vào đầu tuần tới, sẽ diễn ra lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam; dự kiến công bố tiến trình mới nhất về thỏa thuận thương mại tự do liên quan đến 16 quốc gia

Trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh APEC (Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) tại Chile bị hủy bỏ, sự chú ý trên toàn cầu sẽ dành cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra ở Bangkok - Thái Lan từ ngày 2 đến 4-11.

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, cùng với lãnh đạo các nước ASEAN, đối tác của ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Mỹ, Nga) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Sau lễ bế mạc hội nghị sẽ diễn ra lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam. Tại lễ bàn giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu giới thiệu về chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020.

Chuyến tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trong khu vực, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước cũng như cả khu vực. Chuyến đi cũng nhằm nâng cao hình ảnh một đất nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.

Các trưởng đoàn dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tập trung thảo luận về nhiều vấn đề như: biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các đại biểu cũng sẽ đánh giá kết quả thực hiện và thảo luận các biện pháp tiếp tục triển khai "Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững" (thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 diễn ra hồi đầu năm 2019); thực hiện các ưu tiên năm 2019 theo tinh thần chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững", đồng thời định hướng cho ASEAN trong các năm tiếp theo.

Một loạt hội nghị đã được dự kiến sẽ diễn ra, bao gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tổ chức Hội nghị Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dự kiến công bố tiến trình mới nhất về thỏa thuận thương mại tự do liên quan đến 16 quốc gia - 10 nước ASEAN và 6 đối tác thương mại tự do (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ).

Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị lần này cũng gây chú ý. Năm ngoái, ông Donald Trump cũng đã bỏ qua hội nghị ở Singapore. "Tổng thống Donald Trump đang đối phó với những rắc rối chính trị trong nước và điều đó cũng gây lo ngại về cam kết của Mỹ đối với phần này của thế giới" - nhà phân tích chính trị Richard Heydarian (ở Manila - Philippines) nhận định. Thêm vào đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi điện cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thông báo ông không thể tham dự vì đang bận thành lập chính phủ cho nhiệm kỳ thứ hai - theo báo The Nation (Thái Lan).

Theo Nguời lao động