Đây là những nét chính tại cuộc hội đàm thành công giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc, tham dự Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại thành phố Thiên Tân.
Cùng hướng tới tương lai tươi sáng
Cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng diễn ra trên tinh thần tin cậy, hiểu biết lẫn nhau.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường. (Ảnh: Nhật Bắc)
Thủ tướng Lý Cường tin tưởng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn lần này đóng vai trò tích cực trong việc tìm ra con đường phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường kết nối chiến lược, đi sâu hợp tác cùng có lợi, chia sẻ cơ hội phát triển với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông, thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam; sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường. (Ảnh: Nhật Bắc)
Hai bên nhất trí tăng cường kết nối chiến lược, nhất là về hạ tầng cơ sở, giao thông; thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là cơ hội để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc; đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu; phối hợp xử lý dứt điểm vướng mắc tại một số dự án hợp tác, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, giao thông vận tải, môi trường, y tế, khoa học-công nghệ, trọng tâm là hợp tác chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu; hợp tác về trồng trọt, chế biến nông sản, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ; tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ, đường biển, nghiên cứu phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối hai nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh, bền vững, lâu dài với Trung Quốc luôn là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; khẳng định Việt Nam kiên trì chính sách “một Trung Quốc”, quan tâm các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc và sẵn sàng trao đổi, thảo luận về các sáng kiến này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; đây là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trên sự phát triển lâu dài của quan hệ Trung-Việt; mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất.
Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Quốc Trung đã tham dự Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện với nhiều chính sách thông thoáng; trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Chia sẻ tại diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, về thương mại song phương, hai bên còn rất nhiều dư địa để lập “các kỷ lục mới” và cần nỗ lực hơn nữa để giao lưu thương mại phát triển tương xứng độ tin cậy chính trị, mối quan hệ tốt đẹp hai nước. Hai nước cần quyết tâm mạnh mẽ để lập những kỷ lục mới về phát triển quan hệ kinh tế, đầu tư.
Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình cơ sở hạ tầng chiến lược. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp các nhân sĩ hữu nghị thuộc Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc. Một số nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc xúc động ôn lại các kỷ niệm không bao giờ quên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đất nước và con người Việt Nam; khẳng định tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông vun đắp là tài sản vô giá mà hai đất nước, dân tộc cần phải gìn giữ và phát huy.
Bà Trần Tri Tiến, con gái tướng Trần Canh nêu rõ, cha của bà luôn tự hào rằng, những dịp được gặp Bác Hồ là những ngày tháng đẹp nhất của ông. Ông Vi Tiêu Nghị, con trai tướng Vi Quốc Thanh nhấn mạnh, thế hệ ngày nay cần ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền bối hai nước đã vun đắp, gây dựng và mong muốn mối quan hệ đời đời bền vững…
Chung sức vượt gió ngược
Thiên Tân là thành phố cảng lớn nhất phía bắc Trung Quốc, rất xinh đẹp và phát triển, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 120km về phía đông nam. Đây là nơi giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, với hàng trăm công trình mang phong cách kiến trúc Italia, Địa Trung Hải, khiến du khách ngỡ như đang ở một thành phố châu Âu hoa lệ nào đó.
Mới đầu hè, vào ban ngày, tiết trời khá nóng, nhưng dịp này, Thiên Tân còn “nóng” hơn vì Hội nghị các nhà tiên phong của WEF tại Thiên Tân, sự kiện thu hút hơn 1.400 đại biểu là lãnh đạo cấp Thủ tướng, Bộ trưởng 21 quốc gia, các lãnh đạo đến từ 850 tập đoàn, cơ quan, tổ chức toàn cầu để bàn về những vấn đề vĩ mô của kinh tế thế giới.
Việt Nam là một trong 5 nước được lựa chọn mời tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc, New Zealand, Mông Cổ và Barbados. Hội nghị WEF mùa hè năm nay tổ chức ở Thiên Tân là sự kiện quan trọng hàng đầu, có quy mô lớn thứ hai của WEF sau Hội nghị thường niên tại Davos (Thụy Sĩ).
Việt Nam là một trong 5 nước được lựa chọn mời tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc, New Zealand, Mông Cổ và Barbados. Hội nghị WEF mùa hè năm nay tổ chức ở Thiên Tân là sự kiện quan trọng hàng đầu, có quy mô lớn thứ hai của WEF sau Hội nghị thường niên tại Davos (Thụy Sĩ).
Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF đánh giá, sự tham dự và đóng góp của Việt Nam tại hội nghị mang đến câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia và là diễn giả chính của Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF, hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam.
Điểm nhấn trong các hoạt động của Thủ tướng tại Hội nghị WEF lần này chính là tham dự Phiên thảo luận với chủ đề “Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Đi thẳng vào chủ đề chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam, điển hình là: suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường…
Để đương đầu, “hóa giải” các “cơn gió ngược”, nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã nêu bật, đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; đồng thời nêu 6 định hướng lớn: tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là nguồn lực vừa động lực cho phát triển; tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm; có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực; không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm các yếu tố cản trở sự phát triển của toàn cầu; sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột; tăng cường hợp tác công-tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được diễn đàn đồng tình, đánh giá rất cao và hưởng ứng vì đề cập “đúng và trúng”, đầy sức thuyết phục vì đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab (Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF) chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026.
Chuyến công tác “2 trong 1” của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công hết sức tốt đẹp, qua đó tiếp tục củng cố, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, hiệu quả, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới; chung tay cùng thế giới giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, cấp bách.
Theo Nhân Dân