Đầu năm thăm mô hình sản xuất mới tại huyện Thoại Sơn

14/02/2022 - 04:14

 - Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện và cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời luôn sát cánh cùng bà con nông dân huyện Thoại Sơn chủ động thăm đồng, kịp thời phòng trừ dịch hại, đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân - vụ lúa quan trọng nhất năm.

Ngay sau những ngày vui Tết đầm ấm, vui vẻ cùng gia đình, bà con nông dân huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã tiếp tục bắt tay vào lao động - sản xuất, nhịp sống bình thường đang dần trở lại.

Những năm qua, UBND huyện Thoại Sơn đã kết nối liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, nếp đến nông dân, hợp tác với nhiều công ty, doanh nghiệp, ổn định lợi nhuận cho nông dân, trong đó có Tập đoàn Lộc Trời. Gần đây, với mô hình Lộc Trời 123 (LT123) vừa được triển khai, hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích và đầu ra ổn định cho nông dân.

Chúng tôi ghé thăm cánh đồng của nông dân Phạm Văn Trí (ấp Trung Phú 5, xã Vĩnh Phú) vào sáng sớm mùng 7 Tết đầu năm, được ông chia sẻ với tâm thế vui tươi, phấn khởi. “Vụ đông xuân này, tôi tham gia mô hình LT123 với diện tích canh tác 10ha. Hôm nay, có cán bộ kỹ thuật Lộc Trời xuống thăm làm tôi cũng yên tâm hơn. Mình ăn Tết không quên ruộng đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh, phòng trị kịp thời. Hiện lúa nhà tôi được 45 ngày tuổi, phát triển tốt, thấy chưa có dịch bệnh gì. Nông dân chúng tôi rất phấn khởi, mong vụ này được mùa bội thu”- ông Trí bộc bạch.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm thăm cánh đồng LT123 tại xã Tây Phú

Mùng 7 Tết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm dẫn đầu đoàn công tác tỉnh, cùng Phòng NN&PTNN huyện Thoại Sơn, UBND xã Tây Phú, cán bộ Lộc Trời đã đến thăm cánh đồng 24ha của của nông dân Nguyễn Phi Sơn Hổ (xã Tây Phú), đang thực hiện theo mô hình LT123.

“Vụ này, tôi không làm riêng lẻ mà quyết định tham gia cùng Tập đoàn Lộc Trời. Trước, trong và sau Tết, tôi rất yên tâm, phấn khởi bởi cán bộ kỹ thuật công ty luôn sát cánh quản lý dịch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc lúa giúp nông dân chúng tôi. Đặc biệt, liên kết với công ty còn có được lợi ích là giảm chi phí sản xuất. Tham gia mô hình LT123, được bao lợi nhuận, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nên tôi rất yên tâm, không lo lắng như những vụ mùa trước” - ông Hổ chia sẻ.

Anh Phạm Xuân Hài (cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: “Trước, trong và sau Tết, cán bộ kỹ thuật Lộc Trời luôn đồng hành cùng nông dân thăm đồng, quản lý sâu bệnh. Dù vui xuân, đón Tết nhưng nhờ chủ động thăm đồng thường xuyên nên diện tích nhiễm rầy, sâu cuốn lá được nông dân phun xịt kịp thời, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Hiện, lúa trên cánh đồng huyện Thoại Sơn đang phát triển tốt, xuất hiện một số dịch hại, như: Muỗi hành, sâu cuốn lá, rầy nâu với mật độ thấp. Đặc biệt, muỗi hành là đối tượng dịch hại ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng lúa, bà con nông dân cần đặc biệt theo dõi”.

Vụ thu đông 2021, huyện Thoại Sơn đã thực hiện liên kết mô hình sản xuất lúa, nếp rải vụ LT123 với diện tích 1.744ha. Vụ đông xuân 2021-2022, huyện xuống giống 38.000ha, trong đó liên kết mô hình sản xuất và bao tiêu lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời 7.000ha, đang triển khai bước đầu đạt 1.000ha. Với mô hình mới này, Tập đoàn Lộc Trời đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ nông nghiệp cho các nông dân và hợp tác xã (HTX) tham gia vào mô hình và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, HTX.

Cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời sẽ hỗ trợ kỹ thuật cùng nông dân trong suốt quá trình canh tác. Nông dân và HTX cuối vụ sẽ giao đúng sản lượng lúa theo hợp đồng và sẽ nhận số tiền lợi nhuận. Chẳng hạn, vào cuối mỗi vụ, nông dân giao 6.500kg lúa tươi/ha sẽ nhận 11,5-14,5 triệu đồng/ha, tùy giống lúa. Nếu sản lượng lúa nông dân vượt hơn 6.500kg/ha thì sẽ được tập đoàn tiếp tục thu mua theo giá thị trường.

Với những ưu điểm và lợi ích thiết thực mang lại từ mô hình, Tập đoàn Lộc Trời đang cùng UBND xã, thị trấn, HTX trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích cho nông dân hiểu mục đích, ý nghĩa, lợi ích bền vững khi liên kết sản xuất mô hình mới LT123 nhằm đảm bảo lợi nhuận ổn định cho nông dân, tránh tình trạng sản xuất đơn lẻ sẽ phải đối diện với những rủi ro từ thời tiết thất thường, giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp ngày càng cao, giá lúa không ổn định, không có thương lái thu mua… 

Đầu Xuân Nhâm Dần, với không khí lao động hăng say, chăm sóc lúa tích cực sau Tết cùng với việc triển khai mô hình mới đầy tiềm năng, hy vọng rằng nông dân huyện Thoại Sơn sẽ gặt hái được một vụ mùa bội thu, thắng lợi.

TRÚC PHA