Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất

13/08/2020 - 05:47

Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh An Giang có khoảng 11.000 công trình thủy lợi phục vụ kiểm soát lũ và tưới, tiêu cho hơn 256.000ha đất canh tác nông nghiệp, 3.878ha đất nuôi trồng thủy sản. Hạ tầng thủy lợi đang tiếp tục được đầu tư nhằm phát huy thế mạnh nông nghiệp của An Giang.

Tập trung nguồn lực đầu tư

An Giang là tỉnh đầu nguồn, vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, hàng năm bị ảnh hưởng các loại hình thiên tai như: hạn hán, lũ, mưa, giông lốc, sét, sạt lở đất bờ sông. Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp đang ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, đầu tư hạ tầng thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu, kiểm soát lũ và phòng, chống ngập úng, phục vụ sản xuất nông nghiệp ổn định được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang Lương Huy Khanh cho biết, thời gian qua, hệ thống hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo thường xuyên. An Giang đã huy động nhiều nguồn vốn như ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác để nạo vét kênh mương, đầu tư, nâng cấp cống, đê bao, trạm bơm, góp phần phục vụ sản xuất ngày càng tốt hơn. Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 11.000 công trình thủy lợi (tăng gần 1.000 công trình so năm 2014), phục vụ kiểm soát lũ và tưới, tiêu cho hơn 256.000ha đất canh tác nông nghiệp và 3.878ha đất nuôi trồng thủy sản.

Hệ thống cống phục vụ sản xuất

Trên các sông, kênh có 3.126 công trình thủy lợi. Đối với hệ thống đê bao, có 417 tiểu vùng bao triệt để với 1.649 công trình, dài 4.027km, kiểm soát lũ cho 188.976ha. Trong khi đó, cống có 2.900 công trình; kè có 115 công trình, dài 46,1km. Đồng thời, có 16 hồ chứa nước với dung tích gần 4,78 triệu m3, phục vụ du lịch, cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng và nước sinh hoạt cho hơn 14.000 dân đang sinh sống ở vùng núi Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Ngoài ra, còn có 2.183 trạm bơm.

Phát huy hiệu quả

Ông Lương Huy Khanh cho biết, trong số những công trình thủy lợi được đầu tư, có một số dự án, công trình trọng điểm đã phát huy hiệu quả rất lớn. Điển hình như Dự án kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao, đã đầu tư xây dựng 362 cống tròn, 59 cống hở; nâng cấp 161km đê bao phân vùng, 407km đê bao tiểu vùng; nạo vét 321km kênh và hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, phục vụ sản xuất khoảng 24.000ha và phục vụ đời sống dân sinh trong vùng, giao thông thuận lợi.

Đối với Dự án cống Trà Sư - Tha La, được đầu tư thay thế cho 2 đập Trà Sư và Tha La, có nhiệm vụ cùng với các công trình thủy lợi khác trong vùng Tứ giác Long Xuyên kiểm soát lũ, cấp nước, trữ ngọt phục vụ sản xuất ổn định diện tích 352.380ha và tạo nguồn nước cho sinh hoạt trong vùng Tứ giác Long Xuyên (riêng An Giang phục vụ 94.409ha diện tích đất tự nhiên thuộc 4 huyện, thành phố).

Đối với Dự án kiểm soát lũ Tây Sông Hậu, được đầu tư nâng cấp 28,7km đê bao, 24 công trình cống hở nhằm kiểm soát lũ, tạo nguồn nước tưới, tiêu cùng với hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên bảo vệ an toàn sản xuất với diện tích 14.500ha.

Đối với Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao Bảy Núi, đang thực hiện đầu tư mới 2 trạm bơm và 5 hồ chứa vùng cao phục vụ đa mục tiêu. Sau khi đầu tư hoàn thành, sẽ chủ động nước tưới quanh năm cho 1.578ha ruộng trên (trước đây chỉ sản xuất 1 vụ phụ thuộc vào nước mưa), cấp nước sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy rừng…

Theo ông Khanh, qua đầu tư, nâng cấp hạ tầng thủy lợi đã góp phần đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu, kiểm soát lũ, phòng chống hạn kiệt, chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2015-2020, duy trì diện tích gieo trồng lúa, màu ở mức từ 700.000 - 730.000ha/năm, trong khi từ năm 2014 trở về trước chỉ ở mức dưới 700.000ha/năm. Từ đó, duy trì ổn định tổng sản lượng lúa ở mức từ 3,8 - 4 triệu tấn/năm.

Ông Khanh cho biết, giai đoạn 2020-2025, đối với hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (cống bọng, trạm bơm...), tỉnh sẽ nhanh chóng đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đầy đủ hệ thống vận hành và đồng bộ với hệ thống các công trình trong tiểu vùng. Đồng thời, tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ để giảm phát sinh các hư hỏng dẫn đến sửa chữa lớn, góp phần tăng tuổi thọ công trình.

Đối với hệ thống đê bao bị ảnh hưởng sạt lở, cần rà soát các tiểu vùng đê bao phù hợp để khép thành các vùng đê bao vành đai lớn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (về cơ đê, hệ số mái đê...) và kết hợp với hạ thấp cao trình đê ở các tuyến đê tiểu vùng bên trong. Qua đó, giúp hạn chế sạt lở, thuận lợi cho công tác vận hành tích nước trong vùng, xả lũ, kiểm soát lũ và đặc biệt là gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Thời gian tới, Chi cục Thủy lợi An Giang tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu thực hiện các dự án tăng cường tích trữ nước ở vùng đồng bằng và vùng cao (Tri Tôn, Tịnh Biên), thông qua việc đầu tư các công trình hồ trữ lũ vùng đồng bằng, tích nước trong hệ thống kênh, hồ chứa nước vùng cao, trạm bơm vùng cao...

 

NGÔ CHUẨN