Đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm hiện vật

22/12/2021 - 06:03

 - Cùng với các hoạt động trưng bày, giới thiệu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật có giá trị, mang tính lịch sử - văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người An Giang.

Công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng giúp Bảo tàng tỉnh có sự lựa chọn tối ưu trong trưng bày, đáp ứng tiêu chí đổi mới và nâng cao giá trị lịch sử, thẩm mỹ phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Để có được hiện vật phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, cán bộ Bảo tàng tỉnh phải thường xuyên khảo sát thực địa, đi đến từng nhà vận động người dân, nhà sưu tầm cổ vật trên địa bàn tỉnh đóng góp, trao tặng hiện vật.

“Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều đợt sưu tầm, điền dã, khai quật khảo cổ… nhằm thu thập và bổ sung kho hiện vật của đơn vị. Sau hơn 40 năm thành lập, Bảo tàng tỉnh có hơn 35.000 tài liệu, hiện vật được nhập kho cơ sở; hàng ngàn tài liệu, hiện vật tham khảo và tạm thời chưa phân loại” - Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang Hồ Thị Hồng Chi thông tin. 

Người dân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh

Theo thời gian, việc sưu tầm tài liệu, hiện vật ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi sự khan hiếm. Nhưng cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh đã linh hoạt, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức gặp gỡ, trao đổi với nhân chứng lịch sử, nhà sưu tập cổ vật tại địa phương, lão thành cách mạng trong các giai đoạn lịch sử, nhằm nắm bắt, tiếp thu và lưu giữ tài liệu, hiện vật có giá trị. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh quan tâm đến hoạt động tra cứu, khai thác tài liệu từ cơ quan nghiên cứu khoa học, chủ động tìm kiếm nguồn lưu trữ hiện vật liên quan được lưu giữ trong người dân.

Thông qua việc tăng cường công tác truyền thông, người dân, nhà sưu tập, cơ quan, tổ chức đã quan tâm và hiểu hơn về tầm quan trọng của việc đóng góp, sưu tầm hiện vật. Những năm gần đây, họ chủ động liên hệ, tham gia đóng góp, hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh ngày càng nhiều. Đây là tín hiệu vui, sự động viên to lớn cho những người đã và đang làm công tác bảo tàng nói chung, người làm công tác sưu tầm hiện vật nói riêng. “Tính từ năm 2019 đến nay, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận hơn 2.110 tài liệu, hiện vật do các nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh trao tặng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, hoạt động bảo tàng, với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương” - bà Hồ Thị Hồng Chi cho biết thêm.

Với mục tiêu bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tham quan, cảm thụ văn hóa của nhân dân, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình đặc biệt dành cho việc bảo vệ, bảo quản, quảng bá và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp đơn vị chuyên môn, chuyên gia định kỳ sử dụng kỹ thuật, phương pháp bảo vệ, bảo quản phù hợp từng loại hiện vật. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện và xây dựng kho bảo quản hiện vật đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, nhằm đảm bảo tốt công tác bảo quản hiện vật, đặc biệt là hiện vật quý, hiếm… phục vụ công tác chọn lựa hiện vật đề nghị bảo vật quốc gia trong thời gian tới.

Không chỉ thế, đơn vị xúc tiến xây dựng và hoàn thiện website chính thức nhằm giới thiệu hoạt động bảo tàng, hiện vật và bảo vật quốc gia, trải nghiệm bảo tàng 3D, dữ liệu tài liệu, hình ảnh, hiện vật bảo tàng... Đặc biệt là phát huy tốt nhất giá trị các bảo vật quốc gia và hiện vật, phục vụ tìm hiểu thông tin về bảo tàng, văn hóa, lịch sử An Giang cho người dân thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện công tác sưu tầm giỏi về chuyên môn và năng động, sáng tạo, chủ động xây dựng kế hoạch sưu tầm tài liệu, hiện vật.

Bà Hồ Thị Hồng Chi khẳng định: “Chúng tôi sẽ tuyên truyền sâu rộng về mục đích, nội dung, hình thức của tài liệu, hiện vật để vận động người dân hiến tặng tài liệu, hiện vật. Tăng cường xã hội hóa trong công tác sưu tầm, hiến tặng hiện vật, hình ảnh thông qua liên hệ các nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh. Phối hợp các cơ quan, ban, ngành (đặc biệt là báo chí, truyền thông) cung cấp hình ảnh hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh An Giang hàng năm gửi vào lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh. Liên kết, hỗ trợ phối hợp sưu tầm giữa các bảo tàng trong khu vực, góp phần phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa quê hương An Giang. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa trong việc triển lãm, trưng bày phục vụ các ngày lễ lớn, mong muốn quảng bá và gắn kết chặt chẽ phát triển văn hóa với phát triển du lịch, cũng như bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau”.

TRỌNG TÍN