Đóa sen Việt Nam giữa lòng Hà Nội

02/09/2021 - 06:40

 - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là công trình đặc biệt quốc gia, là nơi yên nghỉ vĩnh cửu của Bác Hồ, mà còn là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, chiến sĩ quân đội, anh công nhân, chị giáo viên, em học sinh… đứng trước Lăng đều chung niềm xúc động, tri ân. Cám ơn Hồ Chí Minh - Anh hùng vĩ đại của dân tộc, Người đã đưa dân tộc Việt từ bùn đen nô lệ đến làm chủ đất nước trong 76 năm qua.

Không phải ai cũng biết Lăng được xây dựng khi nào, trải qua những giai đoạn nào, có ý nghĩa chính trị đặc biệt gì đối với vận mệnh dân tộc. GS Lê Văn Lan cho biết: “Lăng Bác là công trình kỳ vĩ đặc biệt, vừa thể hiện trí tuệ và tâm hồn Việt, vừa mang đậm tình cảm biết ơn, tri ân, ngưỡng mộ tôn thờ của đồng bào chiến sĩ cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Đây cũng là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhà nước, nhân dân ta, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam. Việc xây dựng Lăng là câu chuyện đặc biệt, với những con người đặc biệt và xây dựng trong hoàn cảnh đặc biệt”.

 Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát động ngay sau đó. Từ tháng 5 đến tháng 8-1970, ban tổ chức cuộc thi nhận được hơn 200 phương án thiết kế của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Hội đồng sơ tuyển chọn được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để lấy ý kiến nhân dân, thông qua hình thức triển lãm (từ tháng 9 đến tháng 11-1970, tại thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La). Hàng vạn người dân tham gia bình luận, trong đó có nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư các công trình tầm cỡ, góp ý với tất cả lòng kính trọng Bác Hồ. Cuối cùng, mẫu hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn theo mẫu Lăng của Lê-nin - lãnh tụ của nước Nga Xô Viết.

Sau thời gian ngắn, bản “thiết kế sơ bộ” về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thiện tối ưu. Ngày 9-2-1971, Hiệp định Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người được Chính phủ 2 nước ký kết. Không thể nào quên, sáng 2-9-1973, lễ khởi công xây dựng Lăng diễn ra tại Quảng trường Ba Đình. Lát cuốc đầu tiên bập vào lòng đất, tất cả cán bộ lãnh đạo của Đảng, nhà nước, công nhân, kỹ sư, nhân dân đều rưng rưng xúc động. Ai cũng mong công trình nhanh hoàn tất để đón Người về vĩnh hằng giữa lòng Hà Nội.

Để xây Lăng, hàng ngàn xí nghiệp xây dựng, hàng trăm nhà máy xi-măng (trong đó có Nhà máy xi-măng Hải Phòng) sản xuất đêm ngày, cho ra đời những tấn xi-măng tốt nhất. Trên mỗi bao bì in đậm dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Trong khi đó, hàng vạn người con ưu tú trên khắp 3 miền, vượt qua mưa bom bão đạn; băng qua rừng sâu, vượt qua thác ngàn, đi bộ đưa vật liệu về xây dựng Lăng.

Sau 2 năm khẩn trương xây dựng, ngày 29-8-1975, công trình hiện diện giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi đúng 30 năm trước Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày khánh thành, đón Bác về Lăng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ, bộ đội, công nhân, kỹ sư và nhân dân cả nước bùi ngùi xúc động. Chen lẫn niềm vui sướng là những giọt nước mắt và lòng biết ơn vô hạn người Cha già kính yêu của dân tộc, trọn đời tận hiến vì nước, vì dân.

Bảo quản thi hài Bác tuyệt đối an toàn, lâu dài trong điều kiện đất nước vừa chấm dứt đạn bom, điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn quả là một điều kỳ diệu. Đoàn 969 Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng quản lý, vận hành các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác y tế đặc biệt giữ gìn thi hài của Bác lâu dài; đồng thời bảo đảm an ninh khu vực, tổ chức gác tiêu binh danh dự và đón tiếp đồng bào và chiến sĩ cả nước đến viếng Bác mỗi ngày.

GS Lê Văn Lan chia sẻ: “Lăng Bác còn có tên gọi khác là “Đóa sen Việt Nam giữa lòng Hà Nội”. Sở dĩ có tên gọi ấy là vì có sự liên tưởng đến nơi Bác sinh ra và lớn lên. Đó là Làng sen Kim Liên của huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). “Đóa sen Việt Nam giữa lòng Hà Nội còn có ý nghĩa của sự thanh cao về phẩm giá con người, phẩm giá Việt Nam hội tụ trong trái tim, khối óc Bác. Cho nên khi Bác qua đời, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xúc động đọc điếu văn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người Anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

MAI THẮNG