Độc đáo vườn rau thủy canh

29/05/2018 - 06:50

 - Trong vườn rau thủy canh 1.000m2, anh Trần Võ Nhật Trường (Tỉnh lộ 943, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) trồng 7 loại salad ngoại và một số rau ăn lá, như: cải bó xôi, cải xoong, cải cầu vồng…Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh đem rau ôn đới trồng thành công ở vùng nhiệt đới An Giang theo phương pháp thủy canh.

Anh Trường cho biết: “Từ tháng 2-2018, tôi đầu tư hơn 800 triệu đồng xây nhà lưới và trồng 7 loại rau: salad Mỹ, Oakleaft xanh, lolo xanh, salad mỡ, Oakleaft tím, lolo tím, cải thìa, Romaine. Giống và dinh dưỡng trồng rau đều nhập khẩu từ Hà Lan, sử dụng công nghệ tưới thủy canh hồi lưu (nước xoay vòng liên tục trong hệ thống). Sản phẩm được bán tại siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), các cửa hàng nông sản an toàn của Công ty TMHH MTV TMDV Phan Nam, siêu thị Co.opmart Long Xuyên...”.

Vườn trồng rau thủy canh bằng nguồn nước sạch, dinh dưỡng, hạt giống nhập khẩu có xuất xứ từ Hà Lan; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại; trồng theo quy trình rau sạch trong nhà lưới. Toàn bộ rau được trồng trong các ống máng dẫn nước chảy liên tục trong nhà màng và không cần đến đất. Anh Trường đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động tạo độ ẩm và không khí lạnh và chỉ cần điều khiển qua màn hình điện thoại di động.

Trong nhà màng trồng rau, các lối đi được rải sỏi để hạn chế cỏ, bụi, bệnh từ đất, giữ cho rau sạch, thuận tiện thu hoạch vào mùa mưa. Dọc theo các lối đi, đường ống chính được anh Trường bọc tấm chống nóng để làm mát nước lưu chuyển. Nguồn nước sử dụng từ nhà máy sẽ đi qua hệ thống lọc để loại bỏ bớt cát, cặn nên hoàn toàn sạch.

Độc đáo vườn rau thủy canh

Anh Trường tâm huyết xây dựng thường hiệu rau sạch thủy canh

Anh Trường chia sẻ: “Ban đầu trồng rau trong ly nhựa, chứa giá thể xơ dừa như các mô hình thủy canh khác. Tuy nhiên, nhận thấy chưa hoàn toàn sạch, tôi mày mò nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, chọn trồng cây trên các miếng mút xốp”.

Kết quả cho thấy, phương pháp hiện tại tiết kiệm được một nửa chi phí nhân công ở khâu trồng, thu hoạch, vệ sinh cuối vụ, đặc biệt cho sản phẩm hoàn toàn sạch. “Các tấm mút xốp này mua từ đơn vị bán giống, chứa phân dinh dưỡng nhập từ Hà Lan đảm bảo các tiêu chuẩn trồng trọt, tấm xốp giúp rau có bộ rễ phát triển rộng, cây dễ lấy chất dinh dưỡng. Mút xốp ươm cây non có ưu điểm là không tốn công xử lý nấm, vi khuẩn như xơ dừa. Nhờ đó, tiết kiệm được nhân công và diện tích trồng, thu hoạch thuận tiện. Đồng thời, tấm xốp giữ ẩm tốt hơn xơ dừa trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở An Giang”- anh Trường cho biết.

Nếu ban đầu rau thủy canh chủ yếu làm quà biếu, giới thiệu thị trường, thì nay mỗi ngày, khu vườn cung cấp đều đặn 40-80kg salad, giá dao động 36.000 - 45.000đồng/kg tùy thời điểm; 1,5 tấn rau các loại cho các cửa hàng, siêu thị ở An Giang, Phú Quốc (Kiên Giang), TP. Hồ Chí Minh. Để có rau cung cấp hàng ngày cho thị trường, anh Trường phải phân khu vực cây theo ngày tuổi và trồng gối vụ liên tục.

Hiện anh Trường đang thực hiện công đoạn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hoàn thiện nhà sơ chế đóng gói. Anh còn làm thêm các mô hình trồng rau thủy canh cho nhà phố theo đặt hàng. Cái khó hiện nay đối với cây rau là giá và thị trường tiêu thụ. “Sản xuất công nghệ cao, giá thành cao, nên không cạnh tranh được với rau trồng đất, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, người tiêu dùng còn so sánh giá... “ - anh Trường chia sẻ.

Anh Trường cho biết: “Nếu tính hiệu quả kinh tế, ít ai trồng rau, hiện tại với 800 triệu đồng đầu tư, hiệu quả kinh tế chưa có. Tâm huyết thì theo đuổi đam mê thôi. Ở An Giang, khí hậu nắng nóng, cây xà lách ngoại khó phát triển, trong khi thị trường có nhu cầu lớn. Salad tiêu thụ ở An Giang chủ yếu vận chuyển từ Đà Lạt về, giá rau cao do chi phí vận chuyển. Trong khi đã trồng thành công ở An Giang có nhiều lợi thế hơn, nên rau salad Nhật Trường hoàn toàn có giá cạnh tranh với các loại rau từ Lâm Đồng. Ngoài bán rau thương phẩm, có thể đầu tư phát triển thành sản phẩm phục vụ du lịch”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU