Đột phá lúa gạo vùng ĐBSCL

12/04/2024 - 08:16

 - Dù là vùng sản xuất lương thực chính và chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng nông dân trồng lúa ở ĐBSCL nhìn chung thu nhập còn thấp, chưa hưởng lợi tương xứng với đóng góp cho an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Với quyết tâm cao và sự đồng lòng tham gia của toàn bộ hệ sinh thái lúa gạo, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới cho ngành hàng lúa gạo, thật sự nâng cao vị thế của người trồng lúa.

Hướng tới nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo

Bất cập trên “vựa lúa”

Dù đã chuyển đổi đáng kể diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, canh tác rau, màu, cây ăn trái, nhưng An Giang vẫn là một trong 2 “vựa lúa” chính của cả nước (cùng với Kiên Giang). Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, tổng diện tích canh tác lúa hàng năm của tỉnh trên 600.000ha, tổng sản lượng khoảng 4 triệu tấn, đóng góp cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu.

“Những năm qua, với nguồn lực địa phương, An Giang đã tăng dần diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nhất là đẩy mạnh canh tác lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, nhằm tiến đến giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, với gần 100.000ha lúa được ký hợp đồng tiêu thụ, chiếm khoảng 16% diện tích canh tác, giúp cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ngày càng phát triển” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin.

Thực tế thời gian qua, nông dân ĐBSCL đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, trong khi ngành hàng lúa gạo đang có nhiều thuận lợi về giá bán, thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức với lúa gạo là không nhỏ, khi tác động biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét; giá thành sản xuất lúa những năm gần đây luôn có xu hướng tăng, do chi phí đầu vào tăng nhanh, dẫn tới thu nhập của người trồng lúa về lâu dài có xu hướng giảm. Ở ĐBSCL, chưa có nhiều công nghệ giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, việc đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo mô hình tuần hoàn, khép kín còn rất hạn chế.

Trình diễn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL tại Hợp tác xã Thuận Tiến (TP. Cần Thơ)

Mở cơ hội mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng, trước thách thức của ngành hàng lúa gạo, cần phải tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định. “Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (Đề án 1 triệu ha lúa) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL phát triển lúa gạo theo xu hướng bền vững gắn với tăng trưởng xanh” - bà Nguyễn Thị Minh Thúy đánh giá.

Đồng ý với nhận định này, Phó Tổng giám đốc Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) Joanna Kane-Potaka cho biết, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam, với sản lượng lúa ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, do thói quen sử dụng lượng lúa giống gieo sạ của nông dân ĐBSCL rất lớn (khoảng 100 - 150kg/ha), sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), lượng nước chưa hợp lý, nên hiệu quả canh tác không cao. Với việc tuân thủ các tiêu chí của quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp (theo Đề án 1 triệu ha lúa), nông dân áp dụng cơ giới hóa sạ hàng, giúp giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 60kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV, giảm đổ ngã và thất thoát sau thu hoạch, hiệu quả sẽ cao hơn.

Ngay sau khi phối hợp IRRI và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang tổ chức Hội thảo giới thiệu, phổ biến quy trình và sổ tay hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tiếp tục phối hợp IRRI, Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ tổ chức Lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ). Bên cạnh các viện, trường, tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, sự kiện còn có sự tham dự của Sở NN&PTNT 12 tỉnh vùng ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha lúa (tỉnh Bến Tre không tham gia) để nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhân rộng.

HTX Thuận Tiến là một trong những HTX mạnh của huyện Vĩnh Thạnh, có 130 thành viên tham gia liên kết sản xuất 512ha. Vụ hè thu 2024 này, IRRI phối hợp trình diễn mô hình canh tác lúa với mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha.

Theo đó, ruộng trình diễn sử dụng giống xác nhận OM5451, áp dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân, với lượng giống chỉ 60kg/ha, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ, quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD), bón phân chuyên vùng chuyên biệt (SSNM), áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để giảm lượng thuốc BVTV, sử dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa.

“Mô hình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững vùng ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng, tăng trưởng xanh và giảm phát thải, hướng đến chi trả tín chỉ các-bon, giúp nông dân thêm hưởng lợi” - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Khắc phục điểm yếu

Chuyên gia khoa học cao cấp của IRRI Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thói quen sạ lan với mật độ dày khiến cây lúa không đều, hao giống, hạt lúa sạ trên bề mặt nên bộ rễ yếu, dễ đổ ngã khi mưa gió và thu hoạch, cộng với lúa tươi không được sấy trong vòng 24 giờ, gây tổn thất sau thu hoạch trên 10%. Để khắc phục hạn chế này, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL tập trung vào 3 phần chính là: Canh tác tăng hiệu quả và giảm phát thải; sau thu hoạch giảm tổn thất và dấu chân các-bon; quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải.

Quy trình nhằm giúp nông dân thay đổi hành vi, chấp nhận sử dụng giống xác nhận với giá cao hơn nhưng giảm hơn 50% lượng giống so trước đây (sử dụng 60kg/ha thay vì 100 - 150kg/ha). Khi áp dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân, chỉ còn bón 2 lần/vụ, khoảng 70 - 80kg/ha (giảm 20% so với sạ lan), đồng thời giảm áp lực sâu bệnh thông qua mật độ gieo sạ tối ưu và IPM; giảm đổ ngã thông qua mật độ gieo sạ tối ưu và quản lý dinh dưỡng cân bằng; năng suất và lợi nhuận cao hơn. Quy trình còn phân tích đất định kỳ 5 năm, xác định yếu tố hạn chế và xây dựng công thức bón phân phù hợp cho cây lúa theo mùa vụ.

Với kỹ thuật quản lý nước ướt khô xen kẽ (rút nước giữa vụ), giúp giảm đến 45% phát thải khí CH4 (1 CH4 = 28 CO2-eq). Nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm và đúng phương pháp) được áp dụng giúp giảm đáng kể lượng thuốc BVTV. Thực hiện quy trình mới, lúa được thu hoạch đúng thời điểm (85 - 90% bông lúa ngả vàng), ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ tối ưu vận chuyển lúa, thời gian từ lúc thu hoạch đến lúc sấy không quá 24 giờ, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Một trong những nội dung đặc biệt của quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải. Chuyên gia Nguyễn Văn Hùng cho biết, thói quen đốt rơm làm mất dinh dưỡng, giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vùi rơm trên ruộng ướt làm tăng ít nhất gấp đôi phát thải khí nhà kính.

Điều tra của IRRI đối với 10.000 nông dân vùng ĐBSCL năm 2023 cho thấy, trong vụ đông xuân, chỉ có 31% lượng rơm được thu gom, 11% cày vùi và 58% đốt rơm; vụ hè thu, lượng rơm 25% được thu gom, 35% cày vùi và 40% đốt bỏ; tỷ lệ này ở vụ thu đông là 22% thu gom, 53% cày vùi, 24% đốt rơm.

“Với nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, nông dân tham gia không đốt rơm rạ để đảm bảo tính đa dạng sinh học và tính bền vững trong canh tác lúa; không vùi rơm rạ trên ruộng ngập nước để giảm phát thải khí metan (CH4); rơm rạ được sử dụng trong sản xuất nấm rơm, thức ăn gia súc, phân bón sinh học, phân hữu cơ, mang lại giá trị gia tăng mới” - chuyên gia Nguyễn Văn Hùng lưu ý.

Chuyên gia khoa học cao cấp của IRRI Nguyễn Văn Hùng cho rằng, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa, liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án 1 triệu ha. Các tỉnh tham gia cần xây dựng mô hình thực tế áp dụng quy trình (50ha/tỉnh) để đúc kết, nhân rộng. Đồng thời, đánh giá các chỉ số chất lượng, hiệu quả và phát thải khí nhà kính (MRV).

Đồng lòng hành động

Từ khi tham gia HTX Hòa Tân (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) và liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), nông dân Nguyễn Văn Trí (ấp Hòa Tân, xã Định Thành) tập trung canh tác giống xác nhận OM18 do Lộc Trời canh tác, thực hiện nghiêm quy trình “1 phải, 5 giảm” để giảm chi phí, tăng hiệu quả canh tác.

Năm 2024 là năm đầu tiên gia đình ông Trí canh tác lúa theo kế hoạch đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Tập đoàn Lộc Trời. “Qua nghiên cứu sổ tay và quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL do Cục Trồng trọt ban hành, tôi thấy không khó lắm, giống như nâng cấp thêm quy trình “1 phải, 5 giảm”, nhất là quản lý nông nghiệp tuần hoàn với rơm rạ” - ông Trí tự tin.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng, quy trình kỹ thuật theo Đề án 1 triệu ha lúa khá tương đồng với kỹ thuật mà Lộc Trời hướng dẫn nông dân thực hiện trong vùng liên kết, chỉ cần cập nhật thêm để tương thích. “Đây là đề án sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững lớn nhất thế giới. Với sự tham gia tích cực của các tác nhân trong hệ sinh thái lúa gạo, đặc biệt có sự ra đời của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), tôi tin đề án sẽ khắc phục được điểm yếu của “Cánh đồng lớn” do doanh nghiệp tự xây dựng lâu nay để đạt được thành công như mong đợi” - ông Thòn kỳ vọng.

Trên vùng quy hoạch 1 triệu ha lúa với quy trình kỹ thuật sản xuất chất lượng cao, phát thải thấp, ĐBSCL sẽ hình thành được vùng nguyên liệu lớn, cung ứng ổn định 9 triệu tấn gạo/năm cho thị trường tiêu dùng cao cấp trong nước và xuất khẩu. “Trên các cánh đồng này, khi giảm được lượng giống, phân, thuốc BVTV, áp dụng quy trình canh tác khoa học, sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O), góp phần tạo nên lượng tín chỉ các-bon đóng góp cho cam kết tiến đến Net Zero năm 2050 của Chính phủ Việt Nam. Nếu thương mại hóa được số tín chỉ các-bon từ Đề án 1 triệu ha, mỗi năm có thể tạo ra hàng trăm triệu USD cho chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực ĐBSCL” - ông Thòn phân tích thêm.

Để tham gia đề án, trong năm 2024 và 2025, Tập đoàn Lộc Trời đặt mục tiêu liên kết sản xuất 400.000ha để đạt sản lượng 5 triệu tấn lúa/năm. Vùng nguyên liệu quy hoạch gắn với nhà máy sấy, xay xát để thu hoạch lúa đúng thời điểm chín, sấy kịp thời, giúp giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và đảm bảo chất lượng hạt gạo. Nông dân tham gia đề án được cấp mã số vùng trồng, được sử dụng nhật ký đồng ruộng điện tử, có thể ghi nhận và truy xuất nguồn gốc. Công nghệ số giúp xác minh các chi phí, đo đếm lượng phát thải, từ đó đề xuất giải pháp để đạt tiêu chí lợi nhuận của đề án.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, cùng với tập trung triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, năm 2024, An Giang đăng ký tham gia trả tín chỉ các-bon với diện tích 20.609ha, tại 45 xã trên địa bàn tỉnh.

NGÔ CHUẨN