Đưa cá tra phục vụ người tiêu dùng phía Bắc

04/08/2020 - 06:37

 - Đó là chiến lược maketting, bán hàng của các công ty, tập đoàn chuyên sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL hiện nay. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới chưa được kiểm soát tốt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số xuất khẩu của các đơn vị, do đó, việc mở rộng thị trường và tăng thêm lượng hàng hóa bán tại thị trường nội địa là “lối thoát”, giúp các công ty trụ vững qua đại dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư và lãnh đạo các sở, ngành chứng kiến buổi lễ ký kết

Tạo kênh phân phối

Đi đầu trong các công ty, tập đoàn chuyên sản xuất cá tra tại ĐBSCL thực hiện việc đưa cá tra phục vụ người tiêu dùng phía Bắc, trước hết phải kể đến các công ty đã từng có mặt ở thị trường này như: Agifish, Vĩnh Hoàn, Cửu Long và mới đây nhất là Tập đoàn Nam Việt cùng hàng loạt đơn vị khác.

Để làm được việc này, các công ty, tập đoàn đã chọn nhà phân phối cho riêng mình. Từ đây, đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm sẽ tạo kênh phân phối hàng hóa mang tính chuyên nghiệp để mỗi ngày, sản phẩm cá tra được đưa đến tận tay người tiêu dùng.

Mới đây, trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, Tập đoàn Nam Việt đã tổ chức buổi ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Chi nhánh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - Xí nghiệp Bắc Hà để đưa sản phẩm cá tra của tập đoàn phục vụ cho người tiêu dùng phía Bắc.

Với động thái này, Nam Việt đã chính thức vào cuộc, đưa các sản phẩm mà công ty chế biến như: fillet, cá cắt khúc, nguyên con, chả, chạo, cá viên xiên que… phục vụ người tiêu dùng phía Bắc và sau đó là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. 

“Sở dĩ chúng tôi chọn Chi nhánh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - Xí nghiệp Bắc Hà bởi công ty này là đơn vị mạnh trong phân phối thực phẩm hiện nay tại các tỉnh phía Bắc. Thực tế, Xí nghiệp Bắc Hà đã mua sản phẩm cá tra của Nam Việt gần 50 tấn để phân phối tại thị trường các tỉnh phía Bắc. Hiện tại, Bắc Hà đang tạo kênh phân phối mang tính chuyên nghiệp để sản phẩm của Tập đoàn Nam Việt được phục vụ người tiêu dùng phía Bắc. Nam Việt cam kết, sẽ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng nhất để phục vụ người tiêu dùng trong nước” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Hiện nay, để sản phẩm cá tra của Nam Việt nhanh chóng được phục vụ người tiêu dùng ở các tỉnh phía Bắc, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - Xí nghiệp Bắc Hà đã đưa các sản phẩm cá tra vào các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, quân đội cùng bếp ăn của các đơn vị khác. Sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc không chỉ có cá tra fillet, mà còn được đa dạng hóa bởi các sản phẩm mang tính giá trị gia tăng như: chả cá tra, chạo, cá viên, xiên que… cùng nhiều sản phẩm khác liên quan đến con cá đặc hữu ở miền Tây Nam Bộ.

Tăng cường quảng bá

“Mặt hàng phong phú, khách hàng đa dạng, giá cả phải chăng, thanh toán linh hoạt, giao hàng đúng hẹn, tận nơi… là chiến lược để phát triển, đưa sản phẩm cá tra từ ĐBSCL phục vụ người tiêu dùng phía Bắc. Ngoài tạo dựng kênh phân phối mang tính truyền thống, chúng tôi sẽ cùng với Nam Việt tăng cường quảng bá sản phẩm để bán hàng” - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - Xí nghiệp Bắc Hà Dương Thành Chung chia sẻ.

Đưa cá tra phục vụ người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc nói riêng, người tiêu dùng thị trường nội địa nói chung là cách làm hay, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Có thể nói, đối với người tiêu dùng trong nước hiện nay, việc ưu tiên lựa chọn cá tra để làm thực phẩm sử dụng hàng ngày cũng là một hình thức yêu nước, qua đó góp phần giúp tiêu thụ hết lượng cá tra tại khu vực ĐBSCL.

“Đưa cá tra phục vụ người tiêu dùng nội địa, ngoài góp phần tiêu thụ cá cho các công ty, tập đoàn, ngư dân, nó còn mang ý nghĩa khác là đưa một sản phẩm có đầy đủ dinh dưỡng mà giá cả phải chăng đến với cộng đồng. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, trong cá tra có rất nhiều dinh dưỡng, trong đó có Omega 3, một chất rất tốt cho sức khỏe con người…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.

Việc các công ty, tập đoàn chuyên sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu tập trung phát triển thị trường nội địa là tín hiệu vui, bởi điều này một mặt góp phần phục vụ người tiêu dùng trong nước, có được sản phẩm ngon để sử dụng, mặt khác nhằm vào mục tiêu phân tán rủi ro khi thị trường nhập khẩu các nước trên thế giới hiện nay vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Bằng việc tạo kênh phân phối mang tính chuyên nghiệp, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, hy vọng rồi đây, sản phẩm cá tra của ĐBSCL sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường phía Bắc, giúp người tiêu dùng nơi đây sử dụng được sản phẩm ngon, giá cả rất hợp lý, góp phần cùng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra vượt qua dịch bệnh COVID-19.

“Về lâu dài, để ngành hàng này phát triển phải tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững như không mở rộng diện tích nuôi thêm, chỉ giữ ở mức 6.250ha. Phải làm bằng được con giống cá tra 3 cấp. Việc này các tập đoàn lớn phải làm để khép kín quy trình sản xuất, hạ giá thành, hướng đến sự cạnh tranh. Bên cạnh việc xuất khẩu, các doanh nghiệp tăng cường phát triển thị trường nội địa, có vậy thì ngành hàng này mới hy vọng phát triển mang tính bền vững” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

MINH HIỂN